Công nghệ nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng đang đóng vai trò ngày càng then chốt đối với tình hình thế giới hiện nay - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Những năm gần đây, tình hình địa chính trị thế giới trải qua nhiều biến động khó lường, từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, hay cạnh tranh Mỹ-Trung. Trong bối cảnh này, công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin vào luồng thông tin xuyên biên giới. Hơn bao giờ hết, các luồng dữ liệu xuyên biên giới góp phần ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế thế giới.
Khuôn khổ dữ liệu với sự tin cậy
Cách đây vài năm, trong thời gian Nhật Bản đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cố Thủ tướng Abe Shinzo đã đề xuất xây dựng mạng lưới “lưu thông dữ liệu tự do với sự tin cậy” (DFFT) nhằm chia sẻ dữ liệu vượt biên giới quốc gia.
Hầu hết các quốc gia thành viên đã ký một thông cáo của G20, trong đó đặc biệt phản ánh tầm nhìn trên của ông Abe. Đây là một khuôn khổ hứa hẹn thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới như giao thông, công nghiệp, y tế... cùng các biện pháp bảo vệ tăng cường đối với tài sản trí tuệ, thông tin cá nhân và an ninh mạng.
Luồng dữ liệu mở xuyên biên giới là huyết mạch của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Theo ước tính của Viện toàn cầu McKinsey, các luồng dữ liệu này chiếm đến 3% tổng GDP thế giới, tương đương với 2,3 nghìn tỷ USD.
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Các doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức về sự bền vững khi họ ngày càng nhận ra những mối đe dọa nếu không có hành động nhanh chóng. Giảm lượng khí thải và đạt mức phát thải ròng bằng 0 hiện là một phần không thể thiếu trong các cuộc thảo luận chiến lược hiện nay.
Báo cáo của Salesforce (Mỹ) - công ty phần mềm dựa trên đám mây cho biết, việc hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 có thể tạo ra nhiều việc làm hơn, tiết kiệm chi phí, cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh.
Cũng theo báo cáo trên, về mặt kinh tế, việc các doanh nghiệp chuyển sang điện toán đám mây có thể giúp giai đoạn 2022-2030 tiết kiệm 24 tỷ USD, đồng thời giảm tới 60 triệu tấn khí thải CO2 nếu các nhà khai thác điện toán đám mây cung cấp 100% năng lượng tái tạo.
Trong viễn cảnh này, công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Công cụ trong cạnh tranh Mỹ-Trung
Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ thiết lập Văn phòng Đặc phái viên về công nghệ quan trọng và mới nổi nhằm thúc đẩy ngoại giao công nghệ, đồng thời thu hút các đối tác nước ngoài về các lĩnh vực công nghệ mới nổi nhanh chóng, bao gồm trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Động thái trên diễn ra khi Washington tiếp tục tập trung vào "mặt trận" cạnh tranh công nghệ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đây được coi là một phần của nỗ lực nhằm hiện đại hóa chính sách đối ngoại của Mỹ, nhằm phát triển và dẫn đầu trong đổi mới và sản xuất các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, khoa học thông tin lượng tử và chất bán dẫn.
Trong lần đầu tiên giới thiệu về Văn phòng này vào tháng 10/2021, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định rằng, Bộ Ngoại giao phải đóng vai trò định hình “cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra" và "đảm bảo rằng nó phục vụ người dân, bảo vệ lợi ích, tăng cường khả năng cạnh tranh và duy trì các giá trị” của xứ cờ hoa.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký ban hành Đạo luật Khoa học và chip, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Nhà Trắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật trong việc đối trọng với Trung Quốc và đảm bảo rằng Washington duy trì lợi thế cạnh tranh so với Bắc Kinh.
Lợi thế của Ấn Độ trong năm Chủ tịch G20
Khi đảm nhận vị trí Chủ tịch G20 từ ngày 1/12 năm ngoái, Ấn Độ đã sẵn sàng để củng cố vị thế như một siêu cường kỹ thuật số. Với lĩnh vực công nghệ thông tin thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong hai thập kỷ qua và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, một lượng lớn doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu đang tập trung ở quốc gia Nam Á này.
Tiềm năng phát triển sẽ giúp Ấn Độ có thể tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực trên, trở thành động cơ kinh tế toàn cầu quan trọng, thông qua áp dụng chính sách chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới, phù hợp với khung chính sách của các đối tác thương mại kỹ thuật số lớn.
Thời gian qua, giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ đã góp phần hỗ trợ tài chính toàn diện cho hàng triệu người bên ngoài hệ thống ngân hàng chính thức, hệ thống quản lý dữ liệu, thanh toán và nhận dạng kỹ thuật số đa lớp thông qua Aadhaar, cũng như đóng góp cơ chế kỹ thuật cho các công ty công nghệ toàn cầu lớn.
Trong thế giới đầy biến động hiện nay, giờ là thời điểm cần tận dụng công nghệ với tiềm năng vô biên. Chủ tịch G20 là một cơ hội quý giá để Ấn Độ đảm nhận vị trí lãnh đạo, đồng thời chứng minh công nghệ có thể đóng vai trò then chốt trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.