Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo quốc tế Biển Đông. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong hai phiên thảo luận buổi sáng ngày 16/11 tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”, các đại biểu quốc tế và Việt Nam đã thảo luận sôi nổi về các chủ đề: Tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động và vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025. Các ý kiến đóng góp đều rất thẳng thắn, tích cực và mang tính xây dựng.
Nhiều ý kiến cho rằng tuy khó tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa đại dịch Covid-19 và diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, song Covid-19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi ở Biển Đông, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung.
Một số đại biểu nhận định Trung Quốc đã lợi dụng tình hình Covid-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước. Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi và gần đây Trung Quốc đẩy mạnh “lập trường quan điểm” của nước này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân ở nhiều nước.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và tự do hàng hải; tỏ thái độ cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, phản đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường này phản ánh xu hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Chính sách Biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét hơn dưới thời Tổng thống Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn về chiến lược.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. (Ảnh: Thu Trang) |
Các đại biểu cũng nhìn nhận các nước ASEAN nhìn chung phản ứng kiềm chế để không làm căng thẳng ở Biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Nam Á vẫn kiên quyết phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương.
Có ý kiến cho rằng ASEAN cần tối ưu hoá nguyên tắc đồng thuận, thúc đẩy các cơ chế tiểu đa phương giữa các nước Đông Nam Á chủ chốt có chung chí hướng để hợp tác khu vực hiệu quả hơn. ASEAN cũng cần phải xây dựng, tăng cường các thiết chế của mình để có thể thúc đẩy hợp tác biển đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang chịu nhiều thách thức trên thế giới.
Nhiều diễn giả châu Âu khẳng định việc EU quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức trong hai ngày 16-17/11.