📞

Văn chương và tàu đắm

19:00 | 24/07/2016
Nhà văn Đức Guenter Grass, giải thưởng Nobel năm 1999, đã cho ra đời một truyện kể về vụ đắm tàu W. Gustloff vào tháng Giêng năm 1945. 

Cuốn “Đi như cua” (Krebsgang) của ông được giới phê bình hoan nghênh, coi là một tác phẩm lớn, lần đầu tiên đưa ra ánh sáng thảm họa tàu Đức Gustloff bị đắm.

Những vụ đắm tàu trên thế giới xưa nay rất nhiều… Nhưng vụ đắm tàu Titanic làm chấn động dư luận nhất, có phần do được hàng chục sách và phim đề cập đến. Titanic là một chiếc tàu Anh khổng lồ vượt Đại Tây Dương, chở được trên 4.000 khách, không kể 1.000 nhân viên và thủy thủ. Hạ thủy vào năm 1912, nó được coi là tàu chở khách lớn nhất và huy hoàng nhất thời đó. Chẳng may, nó bị đắm ngay chuyến đi Mỹ đầu tiên (tháng 4/1912) khi va phải một tảng băng gần đảo Terre Neuve (nay thuộc Canada). Một chiếc tàu khách cách đó 150km đến chỉ cứu được 700 người. 1.500 người chết, trong đó có 4 tỷ phú Mỹ (Vua đồng, Vua xe lửa, Vua tàu điện,...).

Vụ đắm tàu Titanic phá tan niềm kiêu hãnh của nền văn minh công nghệ hiện đại phương Tây tự cho là thắng được thiên nhiên.

 33 năm sau, vụ đắm tàu W. Gustloff chôn vùi giấc mộng làm bá chủ thế giới của Đức quốc xã, với 9.000 người chết, phần nhiều là đàn bà và trẻ em, chỉ có 1.200 người sống sót. Một đêm mùa đông giá rét cuối tháng Giêng 1945, ba tháng trước khi chiến tranh kết thúc, chiếc tàu ngầm S.13 của Liên Xô ở biển Baltic đã phóng ba quả thủy lôi trúng tàu Gustloff. Quả thứ hai có khắc chữ: “Vì Stalin”.

Tại sao thảm họa Gustolff lớn hơn Titanic, số người chết gấp sáu lần mà lại ít được chú ý tới, bị “bưng bít” trong một thời gian dài. Tờ báo Đức Des Spiegel (Tấm gương) giải thích, ấy là vì cả hai phía Liên Xô (Nga) và Đức đều muốn “lờ” đi vì đại đa số nạn nhân là thường dân (hoảng hốt chạy từ phía Đông sang phần Tây nước Đức trước sự tấn công vũ bão của xe tăng Hồng Quân)…

Mặc dù không thể kết án vụ đắm tàu Gustloff là “tội ác chiến tranh” vì trên tàu còn có 900 sinh viên trường Tàu ngầm và đặt súng pháo. Sau Đại chiến II, nước Đức không muốn phanh phui vụ thảm họa thường dân Gustloff sợ bị lên án là có “đầu óc trả thù”. Mặt khác, các thanh niên Đức hận thế hệ trước gây chiến nên coi là Đức không có nạn nhân. Phải đợi đến hết Chiến tranh Lạnh (Bức tường Berlin đổ năm 1989) và sự thống nhất Đức, không khí chính trị và tâm lý cởi mở hơn mới cho phép trở lại các vấn đề gay cấn. Các tác phẩm của Grass cũng nhắc đến sự kiện hơn 10 triệu dân thường Đức, sau khi Đức đầu hàng, bị tống khứ khỏi các nước phía Đông châu Âu; họ bị nhân dân địa phương ngược đãi do căm thù Đức, trên 2 triệu người chết vì đói rét. Họ có quyền được đền bù không? Grass chỉ nhắc nhở là “nghĩ đến nước Đức ngày nay, nhất thiết không được quên lò thiêu người Auschwitz (Aosvitx)”. Với những vấn đề tế nhị như vậy, ông không muốn là người cánh hữu.

G. Grass, mới đầu sáng tác thơ mang tính tự nguyện, âm điệu và ngôn ngữ độc đáo, phản ánh những băn khoăn đối với hiện tại. Ông viết tiểu thuyết nổi tiếng năm 1959 “Chiếc trống sắt tây”. Tác phẩm nói lên nỗi kinh hoàng của tác giả trước những sự kiện đe dọa loài người, cả nước Đức bệnh hoạn và kinh tởm dưới con mắt sắc và hằn học của nhân vật chính là một tên lùn độc ác bị bệnh thần kinh.