📞

'Ván cờ' Syria: Làm rõ 'người chơi’ chính, ai là ai của ai?

Hoàng Hà 09:47 | 05/12/2024
Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã thu hút sự chú ý của thế giới sau khi lực lượng nổi dậy bất ngờ chiếm giữ hầu hết Aleppo, thành phố lớn thứ hai của quốc gia này, cùng nhiều thị trấn và làng mạc xung quanh chỉ trong thời gian ngắn.
Cuộc nội chiến ở Syria bùng phát trở lại, trở thành cuộc đối đầu ngấm ngầm hay trực tiếp của các lực lượng và nhiều quốc gia bên ngoài. (Nguồn: Shutterstock)

Sự tiến quân thần tốc vào Aleppo diễn ra khi các bên tham chiến chính trong xung đột đang mất tập trung hoặc suy yếu. Cho đến nay, cuộc tấn công đã dẫn đến những giao tranh dữ dội nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn năm 2020 có hiệu lực, vốn đã mang lại sự yên bình tương đối cho miền Bắc Syria trong thời gian qua.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại London, Anh, đợt giao tranh nổ ra từ ngày 26/11 này đã khiến ít nhất 600 người thiệt mạng và buộc khoảng 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Cuộc nội chiến tại Syria bùng phát từ năm 2011, khởi nguồn từ làn sóng nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Hiện nay, vẫn còn các quốc gia có hiện diện quân sự tại Syria, như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Phe đối lập với chính quyền Assad và các chiến binh được Mỹ hậu thuẫn đang kiểm soát hơn 1/3 lãnh thổ Syria.

Dưới đây là tổng quan về các “người chơi” chính trong cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỷ ở Syria.

Lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, được Nga và Iran hậu thuẫn

Quân đội chính phủ Syria của Tổng thống Assad từ lâu đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước nhờ sự hỗ trợ từ các lực lượng đồng minh do Nga và Iran điều động. Lực lượng của Tổng thống Assad hiện nắm giữ hầu hết các trung tâm dân cư lớn, bao gồm thủ đô Damascus và các thành phố ở miền Trung, miền Nam và miền Đông Syria.

Việc chính phủ Syria chiếm được thành phố Aleppo vào cuối năm 2016 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột và việc mất thành phố này trong những ngày gần đây là một tổn thất lớn.

Iran đã triển khai lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tới Syria để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ. Các cố vấn quân sự và lực lượng ủy nhiệm của Iran đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lực lượng của Tổng thống Assad trong suốt cuộc chiến.

Tuy nhiên, hiện nay, nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon, được Iran hậu thuẫn, đã suy yếu sau cuộc chiến gần đây với Israel trong khi Iran cũng bị phân tâm bởi xung đột.

Theo AP, vào ngày 2/12, các lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn đã triển khai đến Syria để hỗ trợ cuộc phản công của chính phủ.

Về phía Nga, quân đội nước này đã hỗ trợ chính quyền ông Assad từ bờ biển Địa Trung Hải, nơi Moscow duy trì căn cứ hải quân duy nhất bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ, cũng như tại căn cứ không quân Hemeimeem ở tỉnh Latakia, nơi đồn trú hàng trăm binh sĩ. Tuy nhiên, phần lớn sự chú ý và nguồn lực của Nga hiện đang tập trung vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong đợt bùng phát giao tranh mới đây, Điện Kremlin đã ra tuyên bố khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các hành động của giới lãnh đạo Syria nhằm "chống lại cuộc tấn công của các nhóm khủng bố" và khôi phục trật tự hiến pháp. Các lực lượng Nga cũng hỗ trợ quân chính phủ Syria tiến hành các cuộc không kích nhằm làm chậm đà tiến công của phe nổi dậy và hạn chế thương vong nặng nề.

Các nhóm nổi dậy, có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Nhóm nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham. (Nguồn: North Press Agency)

Lực lượng chống chính phủ do nhóm nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo. HTS từng là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria và bị Liên hợp quốc cũng như các quốc gia như Mỹ coi là tổ chức khủng bố. HTS kiểm soát phần lớn khu vực tây bắc Syria và vào năm 2017 đã thành lập một "chính phủ cứu rỗi" để điều hành các công việc hàng ngày trong khu vực này.

Trong những năm gần đây, thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Golani đã cố gắng thay đổi hình ảnh của tổ chức bằng cách cắt đứt quan hệ với al-Qaeda, loại bỏ các quan chức cực đoan và cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên cũng như khoan dung tôn giáo.

Sau lệnh ngừng bắn năm 2020 do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, HTS đã tận dụng cơ hội để tái cấu trúc lực lượng. Các nhóm nổi dậy khác bao gồm Noureddine el-Zinki, trước đây từng được Mỹ hậu thuẫn nhưng sau đó gia nhập liên minh do HTS lãnh đạo.

Dù HTS đã cố gắng tạo "làm thân" với các quốc gia sau khi cắt đứt với al-Qaeda, song dường như nhóm này không tạo được mối quan hệ với nước nào, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện nay cũng kiểm soát một phần lãnh thổ phía bắc Syria, song không tiết lộ số lượng binh sĩ của họ tại quốc gia này.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ), các căn cứ và pháo binh của An ara ở Idlib, cùng với pháo binh trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ (giáp Idlib), đã đóng vai trò như một vùng đệm bảo vệ các khu vực mà HTS chiếm đóng trước quân đội chính phủ Syria.

Viện trợ nhân đạo, khí đốt, vũ khí và thậm chí cả quân phục của HTS đều được chuyển vào Idlib từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cho biết, nhóm này và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngầm chia sẻ thông tin và tham vấn cho nhau.

Tuy nhiên, với cuộc tấn công lớn nhất của nhóm nổi dậy do HTS dẫn đầu, nổ ra hôm 26/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

Việc thiếu đàm phán giữa chính quyền và phe đối lập đã đưa vấn đề đến mức này"

Lực lượng Dân chủ Syria, được Mỹ hậu thuẫn

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, là một liên minh các nhóm được Mỹ hậu thuẫn để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và hiện kiểm soát phần lớn khu vực phía đông Syria.

Với Alepppo, hiện nay, SDF vẫn kiểm soát một số khu vực, vốn đang bị các nhóm nổi dậy bao vây. Các nhà hoạt động đối lập cho biết, lực lượng nổi dậy sẵn sàng cho phép các chiến binh SDF rút lui sang khu vực đông bắc Syria, nhưng chưa rõ liệu lực lượng do người Kurd lãnh đạo có chấp nhận hay không.

Về phía Mỹ, sau khi IS bị tiêu diệt, Washington cũng giảm hiện diện quân sự ở đây, song vẫn duy trì lực lượng nhỏ khoảng 900 binh sĩ nhằm mục đích chống lại tàn dư của tổ chức khủng bố.

Một điều đáng chú ý, dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên quan trọng trong liên minh chống IS của Mỹ, song nước này lại thường xuyên tấn công Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), lực lượng mặt đất hiệu quả nhất của SDF và được Mỹ cung cấp vũ khí. Điều này càng làm phức tạp thêm tình hình xung đột ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng YPG có liên hệ với đảng Công nhân Kurdistan (PKK) – một tổ chức bị Ankara cấm vì coi là khủng bố.

Cuộc nội chiến ở Syria vừa bùng phát trở lại và vẫn chưa thể dự đoán chính xác được diễn biến tiếp theo. Tính đến nay, nhóm nổi dậy đang hoạt động mạnh mẽ, với việc chiếm được 2 điểm dân cư ở miền Trung Syria là Al-Mubaraqat và Sheikh Helal. Việc kiểm soát hai khu vực có tầm chiến lược này, giúp nhóm nổi dậy phong tỏa các trục giao thông huyết mạch nối Hama-Salamiyah và đường nối Hama-Raqqa.

Động thái này cản trở đáng kể hoạt động di chuyển của lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh của họ, kể cả các đơn vị của IRGC.

Trong khi đó, các lực lượng của chính phủ Syria đã mở cuộc phản công chống lại phiến quân xung quanh Hama với sự hỗ trợ của không quân, và đẩy lùi HTS khỏi thủ phủ của tỉnh khoảng 10 km.

Giới quan sát cảnh báo, bạo lực có khả năng sẽ kéo dài nếu không được giải quyết triệt để. Ngoài ra, mặc dù phiến quân có chiến thắng chớp nhoáng song không đồng nghĩa họ sẽ có khả năng giữ vững các vùng lãnh thổ này.