Đó là nhận định của TS. Lê Kim Dung (Cục trưởng Cục Việc Làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) xung quanh vấn đề thách thức và cơ hội của lao động thời 4.0.
Thiếu các tọa đàm báo chí
Theo thông tin từ Cục Việc làm, hằng năm, Việt Nam đưa được từ 100 – 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chủ yếu lao động tập trung ở các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, 70% là lao động trẻ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện cho lao động trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với cuộc cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ với công nghệ, trí tuệ quyết định sự thành công của mỗi quốc gia, doanh nghiệp… Do vậy, hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập là cần thiết.
Có một nghịch lý, những năm gần đây, những người được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng lại có nguy cơ thất nghiệp khá cao. Theo Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), quý III/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là hơn 200.000 người.
Nói về nguyên nhân, TS. Nguyễn Công Dũng (Phó TBT Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) nhận định, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chưa đồng bộ. Đồng thời, chưa có nhiều hội nghị chuyên đề, tọa đàm về vấn đề này, dẫn đến sự “thờ ơ” của các cơ quan chức năng liên quan trong câu chuyện truyền thông tạo việc làm cho người lao động.
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, TS. Nguyễn Công Dũng, cho rằng, báo chí cần bám sát thực tiễn, đồng thời là mũi nhọn của quá trình chuyển đổi trong bối cảnh 4.0. Với chức năng thông tin nhằm nâng cao trình độ của người lao động, báo chí có nhiệm vụ trong việc cung cấp tác động của cuộc cách mạng này, của biến đổi khí hậu để người lao động tự trang bị kiến thức và bản lĩnh trong tình hình mới.
Cần có khảo sát tại doanh nghiệp
Kỷ nguyên kỹ thuật số đem lại cơ hội việc làm có năng suất cao hơn. Cùng với đó, thực trạng thất nghiệp đối với các cử nhân, thạc sĩ cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo TS. Lê Kim Dung (Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), lực lượng lao động nước ta đến năm 2025 tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, các chính sách về việc làm chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước. Đồng thời, hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém.
Cuộc cách mạng 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa. Vì vậy, xu hướng máy móc sẽ thay dần sức lao động của con người. TS. Lê Kim Dung nhận định, toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất cả các phương diện. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động có chất lượng, có kỹ năng.
Tuy nhiên, hội nhập cũng tạo ra thách thức không nhỏ liên quan đến dịch chuyển lao động, năng suất lao động, chất lượng việc làm, việc quản lý lao động. “Qua thực tế, chúng tôi thấy rằng vấn đề quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc còn lỏng lẻo; việc tiếp cận với thông tin thị trường lao động ngoài nước vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, việc vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập”, TS. Lê Kim Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ về giải pháp, bà Lê Kim Dung cho rằng, cần phát triển thị trường lao động theo hướng xuất khẩu. Qua đó, phát huy được các lợi thế cũng như tiềm năng của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Đồng thời, thúc đẩy thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương nhằm đảm bảo tiền lương thực tế được trả đúng theo cơ chế thị trường, phù hợp với sự đóng góp của người lao động. Thúc đẩy quá trình tự do lựa chọn việc làm và dịch chuyển lao động theo trình độ, đặc biệt là dịch chuyển ngang giữa các khu vực, vùng và quốc tế.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Việc làm, cần xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng của thị trường lao động (hướng nghiệp, dịch vụ việc làm, thông tin và dự báo thị trường lao động) và cung cấp các dịch vụ công về việc làm có hiệu quả. Hỗ trợ các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, tăng cường an sinh xã hội cho người lao động trong khi làm việc.
Đưa ra một số khuyến nghị, TS. Lê Kim Dung nhấn mạnh, cần hoàn thiện khung pháp lý, phát triển các yếu tố thị trường lao động phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế.
Từ thực trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của tự động hóa, số hóa. Do đó, cần nhận thức đúng và tìm hiểu kỹ về công nghệ 4.0 để có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng này.
“Theo chúng tôi nhận thấy, các số liệu thu thập để có cơ sở đánh giá được tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi cho rằng cần có một cuộc khảo sát tại doanh nghiệp để có cơ sở và thấy rõ hơn tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến thị trường lao động Việt Nam hiện nay”, TS. Lê Kim Dung cho biết.