Trong văn kiện được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh 27 nước EU ở Brussels (Bỉ), Liên minh này xác định phương hướng hàng đầu là tránh xảy ra biến động với mong muốn Anh rời "mái nhà chung" theo đúng trình tự. Các quốc gia, doanh nghiệp và các bên liên quan cũng sẽ phải đưa ra những biện pháp cần thiết để chuẩn bị đối phó với các hệ quả của Brexit.
3 vấn đề ưu tiên
Lãnh đạo 27 nước cũng thống nhất lập trường phải giải quyết các vấn đề của cuộc chia ly này trước khi thảo luận về một thỏa thuận thương mại mới, thay vì đáp ứng mong muốn của Anh là giải quyết song song 2 vấn đề chỉ trong 18 tháng. Theo đó, nhất trí sẽ đề cập tới mối quan hệ tương lai của hai bên sau khi tiến trình đàm phán Brexit trong khoảng 2 năm tới đạt được những tiến bộ rõ rệt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại cuộc gặp của 27 lãnh đạo quốc gia thành viên EU ở Brussels (Bỉ) ngày 29/4. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu họp báo sau Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, EU đưa ra ba ưu tiên đàm phán bao gồm: quyền công dân, nghĩa vụ thanh toán tài chính hậu Brexit và biên giới với Ireland. Mặc dù 27 nước thành viên có những quan điểm khác nhau về thứ tự ưu tiên đàm phán, nhưng nhất trí sẽ luôn nỗ lực tìm tiếng nói chung trong các bước của tiến trình đàm phán và sẽ không đàm phán riêng rẽ với Anh.
Xét tới ưu tiên hàng đầu, EU sẽ chú trọng giải quyết quyền lợi của khoảng 3 triệu công dân sinh sống tại Anh và hơn một triệu người Anh ở EU khi mà Brexit có thể gây một loạt vấn đề như quyền cư trú, thừa nhận bằng cấp, quyền tìm việc, hưởng trợ cấp lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội.
Về nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh, các quan chức EU nhận định đây sẽ là vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất, khi quốc gia này phải hoàn trả cho EU số tiền ước tính 60 tỷ euro, bao gồm khoản tất toán các tài khoản và các nghĩa vụ cam kết đóng góp tài chính dựa trên sự tham gia của Anh vào các chương trình và quỹ của Liên minh này. Tuy nhiên, giới chính trị gia Anh cho rằng Chính phủ nước này sẽ không chấp nhận mức đóng góp cao như vậy.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis nhấn mạnh, với mong muốn đàm phán sẽ diễn ra suôn sẻ, cả 2 bên đều cần thể hiện thiện chí. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tiến trình này sẽ chứng kiến những cuộc đàm phán phức tạp nhất mà nước Anh phải đối mặt từ trước đến nay.
Tiến trình Brexit sẽ chứng kiến những cuộc đàm phán phức tạp. (Nguồn: BBC) |
Về vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh), EU cho rằng cần tìm các giải pháp mềm dẻo và linh hoạt, đặc biệt tránh áp đặt một biên giới "cứng" giữa 2 bên, dựa trên việc tôn trọng toàn vẹn hệ thống pháp luật của Liên minh.
4 yếu tố không thể tách rời
Trong văn kiện chiến lược của mình, EU còn nhấn mạnh, sau Brexit, Anh sẽ không còn là thành viên Liên minh, do vậy nước này không còn các nghĩa vụ cũng như không được hưởng quyền và lợi ích như trước đó. Ngoài ra, EU tái khẳng định tự do lưu thông về con người, tự do dịch chuyển tài sản, dịch vụ và nguồn vốn là những yếu tố không thể tách rời, đồng thời loại trừ việc tiếp cận thị trường nội khối chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực về kinh tế.
Về vấn đề liên quan vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar - chủ đề gây tranh cãi lâu nay giữa Anh và Tây Ban Nha, các lãnh đạo 27 nước EU cho rằng sẽ không thể đạt được một hiệp định về mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh nếu thiếu sự đồng thuận giữa Madrid và London.
Tuần tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố các nguyên tắc đàm phán chi tiết hơn dựa trên văn kiện chiến lược được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 29/4. Tiếp đó, Nghị viện châu Âu và nghị viện của 27 nước EU sẽ thông qua các nguyên tắc trên vào ngày 22/5 tới. Theo dự kiến, hiệp định cuối cùng về Brexit sẽ phải được kết thúc trước ngày 29/3/2019.