📞

Vấn đề Brexit: Những thách thức đang chờ đón Anh và Canada

15:50 | 09/04/2017
Brexit giờ đây không chỉ là vấn đề giữa “Xứ sở sương mù” và mái nhà chung châu Âu mà còn liên lụy đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Canada.  

Những thách thức mà Brexit gây ra đang dần trở thành sự thật. Tuy nhiên, tranh luận xung quanh việc thực thi Brexit không đơn thuần là vấn đề của Anh và châu Âu vì Anh là một đối tác thương mại quan trọng và là một cường quốc hạt nhân, giữ một vị trí cố định trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai (sau Đức) của Canada ở EU. Cuối cùng, Canada có quan hệ thương mại lâu năm với Anh, do đó Canada nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ này.

Brexit. (Nguồn: The Guardian)

London gặp khó

Những chính sách từng áp dụng cho Anh cần phải thay đổi. Anh cần đàm phán những vấn đề về thuế quan với EU cũng như các quốc gia khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Anh vẫn đang cân nhắc những lợi ích mà họ mong muốn và có thể nhận được từ những quốc gia khác. Riêng việc đàm phán đã là một thách thức lớn. Anh chắc chắn sẽ không được hưởng những lợi ích từ 60 hiệp định thương mại giữa EU và các quốc gia khác như Hiệp định thương mại tự do EU - Canada (CETA). Họ sẽ phải đàm phán các hiệp định thương mại mới. Điều này mất rất nhiều thời gian, công sức và có thể gây ra nhiều tranh cãi. 

Ngoài ra, Anh sẽ phải xây dựng một hệ thống các quy định riêng cho mình, trong khi vẫn duy trì những điều luật được công nhận là tương đương với các quy định của EU để tiếp cận thị trường châu Âu - chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu của Anh. Đây sẽ là thành tựu không hề nhỏ, song là sứ mệnh không thể thực hiện được trong vòng 2 năm.

Với việc Anh và Canada có quan hệ thương mại chặt chẽ và lâu năm, thách thức phía trước không chỉ là của riêng Chính phủ Anh, mà còn là của Canada.

Thủ tướng Anh Theresa May ký bức thư lịch sử kích hoạt điều 50 để Anh bắt đầu rời EU. (Nguồn: AFP)

Lời giải từ Ottawa

Trong mối quan hệ hiện nay với Anh, Canada cần một hiệp định thương mại hàng hoá và cam kết về thương mại dịch vụ. Canada cũng sẽ cần một thỏa thuận vận tải hàng không có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên Anh rời khỏi EU. Bên cạnh đó, Canada cần một thỏa thuận đầu tư với Anh và có thể sẽ xem xét lại thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần.  

Canada cũng sẽ có lợi thế hơn nếu cân nhắc và xác định rõ mối quan hệ thương mại với Anh trong tương lai. Cách tốt nhất - đem lại lợi ích cho cả đôi bên - là bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA). Canada và Anh có thể lợi dụng Brexit để theo đuổi một thỏa thuận có sự tham gia của tất cả các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Đối với Canada, CETA là thỏa thuận thương mại lớn và có tham vọng nhất mà nước này đạt được. (Nguồn: Getty Images)

TAFTA sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia có liên quan, đặc biệt là với những quốc gia láng giềng có hệ thống kinh tế và văn hóa tương đồng. TAFTA sẽ cho phép Anh hội nhập cùng các quốc gia khác, đồng thời tạo ra cơ hội cho các quốc gia phía Bắc Đại Tây Dương tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh. 

“Hạt giống” của TAFTA đã được gieo bởi CETA cùng với các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ. Việc thiết lập TAFTA sẽ có nhiều khó khăn, nhưng điều này sẽ không thể ngăn Canada và Anh xây dựng kế hoạch cho tương lai. 

(theo TTXVN)