Theo một đánh giá tài chính của Nghị viện châu Âu (EP), được tổ hợp truyền thông Funke của Đức trích dẫn ngày 10/11, Berlin sẽ phải chi trả khoảng 3,8 tỷ Euro để góp phần lấp "lỗ hổng" 10,2 tỷ Euro Anh để lại sau khi ra đi. Con số này sẽ làm tăng 16% phí thành viên mà Đức phải đóng góp hàng năm cho EU.
Brexit khiến phần đóng góp tài chính của các nước thành viên EUgia tăng để bù đắp phần thiếu hụt. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Brexit khiến phần đóng góp tài chính của các nước thành viên EU, đặc biệt là các nước lớn, gia tăng để bù đắp phần thiếu hụt. Mặc dù vậy, báo cáo của EP cho biết hiện chưa chắc chắn về mức phí thành viên hậu Brexit sẽ cao tới mức nào. Các quan chức EU cũng đang cân nhắc khả năng giảm chi tiêu của liên minh, hoặc tăng các khoản thuế mới, để bù đắp cho thiếu hụt chi phí sau Brexit.
Vòng đàm phán thứ 6 về Brexit hiện đang diễn ra ở Brussels (Bỉ). Dù Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Anh sẵn sàng nhượng bộ thêm về "hóa đơn ly dị" trị giá 60 tỷ Euro mà EU đề nghị, nhưng truyền thông Đức vẫn nhận định rằng một cuộc xung đột mới nảy sinh trong các cuộc đàm phán về tương lai đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.
Brussels kêu gọi Bắc Ireland tiếp tục ở lại Liên minh thuế quan EU để tránh tạo ra một "đường biên giới cứng". Tuy nhiên, giới chức Anh nhiều lần bác bỏ giải pháp này.