Người tị nạn Afghanistan tại Indonesia tập trung trước trụ sở Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Jakarta yêu cầu sớm đưa ra giải pháp định cư lâu dài cho họ. (Nguồn: AP) |
Đám đông tụ tập trên đường Kebon Sirih của thủ đô Jakarta, mang theo quốc kỳ Afghanistan cùng các biểu ngữ có nội dung như “Tái định cư người Afghanistan tại Indonesia”, “Chúng tôi muốn công lý”.
Cảnh sát đã yêu cầu đám đông giải tán, thậm chí bố trí các xe được trang bị vòi rồng xung quanh khu vực biểu tình nhưng người tị nạn vẫn tụ tập rất lâu.
Một người biểu tình cho biết, họ không muốn đối đầu với cảnh sát mà muốn yêu cầu UNHCR đưa ra một giải pháp rõ ràng về quy chế tị nạn của họ tại Indonesia.
Theo số liệu của UNHCR Inonesia, tính đến tháng 4/2021, có gần 13.459 người tị nạn, trong đó có 57% là người đến từ Afghanistan đã đăng ký với UNHCR tại Indonesia, tuy nhiên, Indonesia không phải một bên ký kết Công ước về người tị nạn năm 1951 nên không phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo sinh sống cho người tị nạn.
Chính vì vậy, những người tị nạn ở Indonesia đã mắc kẹt tại đây gần chục năm và không được tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục. Hiện những người tị nạn đang chờ đợi quyết định của UNHCR để tái định cư họ ở một quốc gia khác.
Trong một diễn biến khác, theo báo Il Tempo, Giáo hoàng Francis đang đàm phán với Taliban thông qua Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để tháo gỡ cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Afghanistan đang diễn ra trong bối cảnh phong trào này đã giành quyền kiếm soát đất nước trong khi Mỹ và đồng minh sắp hoàn tất rút quân ở quốc gia Nam Á này.
Trong bài viết được đăng trên trang nhất, tờ báo nêu rõ: “Một kênh riêng đã bất ngờ được mở giữa Tòa thánh Vatican và Taliban để tạo ra một hành lang nhân đạo” thông qua cuộc đàm phán 3 bên giữa Vatican, ông Erdogan và Taliban.
Cho đến nay, vẫn chưa có xác nhận chính thức hay phủ nhận từ văn phòng báo chí Vatican liên quan đến thông tin trên.
Theo tờ báo, Vatican thuận lợi hơn Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc đưa Taliban vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận về cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Đức Giáo hoàng Francis có mối quan hệ thân tình với hầu hết các quốc gia Hồi giáo. Ông đã nói rõ rằng, hai dòng Hồi giáo là Shi’ite và Sunni có tầm quan trọng ngang nhau trong chính sách ngoại giao của Giáo hoàng.