Dù đội ngũ của Tổng thống Biden đã sẵn sàng hay chưa, vấn đề Triều Tiên sẽ sớm “gõ cửa”. (Nguồn: Reuters) |
Sau khi Nhà Trắng hoàn thành việc xem xét chính sách đối với Triều Tiên hồi tháng 4 vừa qua, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhắc lại rằng mục tiêu của chính quyền đương nhiệm không giống với mục tiêu của mọi chính quyền Mỹ kể từ khi Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình hạt nhân vào đầu những năm 1990.
Bà Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thử một cách tiếp cận sáng tạo với Triều Tiên, khác với 2 người tiền nhiệm là ông Donald Trump và ông Barack Obama.
"Chính sách của chúng tôi sẽ không tập trung vào việc đạt được một kết quả lớn, cũng như sẽ không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược… Chính sách của chúng tôi kêu gọi một cách tiếp cận thực tế và có điều chỉnh”, bà Jen Psaki nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nên học hỏi một số yếu tố trong “chiến dịch gây áp lực tối đa” thời kỳ đầu của Tổng thống Trump như gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump trong những năm qua nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên rõ ràng đã thu hút sự chú ý của không chỉ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mà còn cả nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “triệu tập” một cuộc gặp khẩn cấp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ vài tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018.
Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất và lần thứ hai (tại Hà Nội) đều không đi đến một cái "kết đẹp" và chưa thể góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Mặc dù chưa thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên nhưng ông Trump có thể được coi là có kinh nghiệm đa chiều trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Trên cơ sở đó, Tổng thống Biden có cơ hội để tái khởi động động lực mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đạt được trong vấn đề Triều Tiên.
Ông Kim Ki-jung, Giám đốc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc bình luận rằng, nhìn vào những gì đang xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên, giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ thực hiện các hành động nhằm can dự vào Triều Tiên.
Chính Bình Nhưỡng cũng đang tiếp cận với Washington thông qua Seoul.
Cũng theo ông Kim Ki-jung, Hàn Quốc và Mỹ nên thể hiện thái độ sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào, song các nhượng bộ nên được xem là "phần thưởng" cho những cam kết tương ứng và hành động cụ thể của Triều Tiên.
| Giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẵn sàng xem xét mọi lựa chọn và khả năng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẵn sàng xem xét các "lựa chọn" và "khả năng" khác nhau để giải quyết vấn đề Triều Tiên. |
| Vấn đề Triều Tiên: Reuters tiết lộ thông tin mật, liệu Bình Nhưỡng có đang duy trì hành động này? Reuters dẫn thông tin từ đoạn trích một báo cáo được cho là tài liệu mật của Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, trong nửa ... |