📞

Vận động đầu tư cho y tế, giáo dục tại Việt Nam

20:12 | 20/12/2016
Đây chính là nội dung của Hội nghị vừa được Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) phối hợp với ActionAid tại Việt Nam (AAV) tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội.

Hội nghị tương tác về vận động tăng cường đầu tư công cho y tế, giáo dục tại Việt Nam có sự tham gia của gần 50 đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành và đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và tổ chức xã hội ở Việt Nam. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” do Ủy ban châu Âu và AVV đồng tài trợ, nhằm tăng cường và nâng cao vị thế của các tổ chức xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo và nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Dương - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trình bày báo cáo nghiên cứu “Chi tiêu công cho y tế, giáo dục và giao thông công cộng ở một số tỉnh tại Việt Nam – một số quan sát và khuyến nghị” do AAV và CIEM thực hiện tại 7 địa phương ở Việt Nam bao gồm cả thành thị và nông thôn bao gồm: Long Biên, Bình Tân, Uông Bí, Trà Vinh, Thông Nông, Quản Bạ và Krong Nô. Nghiên cứu đã đưa ra một góc nhìn độc lập về chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân tại một số địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: T.T)

Nghiên cứu này tái khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu. Về y tế, Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên (2007) và thứ năm từ trên xuống (2014) trong số các nước ASEAN về chi tiêu công cho y tế trên tổng chi y tế, tỷ lệ này có tăng lên theo thời gian (31% năm 2007 và 54,1% năm 2014). Tuy vậy, khó khăn về đội ngũ y bác sỹ ở tuyến cơ sở (vừa thiếu vừa yếu) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm cận nghèo còn thấp (55%) dù được hỗ trợ từ 70% mệnh giá bảo hiểm trở lên.

Về giáo dục, mặc dù chi tiêu công cho giáo dục trên tổng chi cho giáo dục của Việt Nam đứng thứ hai từ trên xuống trong khu vực ASEAN, phần lớn (gần 82%) chi này là cho chi thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là các nhu cầu đầu tư để cải tiến chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Các cơ sở đào tạo được giao tự chủ tài chính nhưng lại không được giao tự chủ mức thu học phí, do đó việc tự chủ tài chính là không thực chất.

Qua khảo sát cho thấy, người dân phần lớn đã nhận biết và có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục do ngân sách nhà nước, cũng như thường xuyên được thông tin về các chương trình y tế, giáo dục ở địa phương. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục còn chưa thực sự được quan tâm thích đáng và việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng chưa được thực hiện đồng bộ với hỗ trợ về dịch vụ. Bên cạnh đó, cách thức thông tin về các chương trình hỗ trợ thiếu thường xuyên và chưa gắn chặt với phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư.

Dịch vụ công về y tế, giáo dục tại vùng sâu, xa cần được ưu tiên hơn nữa. (Nguồn: kinhtenongthon)

Tại Hội nghị, nội dung được thảo luận sôi nổi nhất là các vấn đề cũng như giải pháp trong việc đảm bảo duy trì tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho các dịch vụ y tế, giáo dục. Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện AAV cho biết: “Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân thông qua các dự án đầu tư công cho các dịch vụ công thiết yếu. Quan trọng hơn, cần huy động được người dân tham gia với vai trò bình đẳng trong xây dựng quy hoạch, đóng góp chi phí, thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thiết yếu nhất, đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân”.

Ông Đỗ Đăng An - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế đã chỉ ra những thách thức chính trong việc huy động nguồn đầu tư cho y tế như huy động tài chính chưa đảm bảo sự bền vững (hiện nay chi công mới đặt 3% GDP, theo khuyến cáo cần đạt từ 4.5 % GDP), nợ công quá cao, nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ bị cắt giảm, mất cân đối chi tiêu y tế dự phòng và điều trị...

Ông Đỗ Đăng An cũng đưa ra một số định hướng về huy động đầu tư cho y tế trong thời kỳ tới, như tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển (ODA và NGOs) bằng cách dành các khoản vốn ưu đãi nhất cho y tế cơ sở, đầu tư vào một số lĩnh vực mới như nghiên cứu sản xuất vaccine, các trung tâm chăm sóc cho người cao tuổi, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm của ASEAN...

Theo ông Nguyễn Anh Dương, việc đảm bảo và tăng chi ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh việc duy trì tỷ lệ chi từ ngân sách và điều chỉnh cách thức triển khai chi tiêu công cho y tế, giáo dục theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, ông Dương cho rằng cần căng cường vai trò giám sát của người dân trong việc cung ứng dịch vụ công và phân bổ ngân sách nhà nước.