📞

Vận dụng ngoại giao vaccine, Trung Quốc 'hất cẳng' Mỹ ngay tại 'sân sau'?

Gia Kỳ 15:00 | 24/06/2021
Tác giả Oliver Stuenkel* đã có bài viết trên Tạp chí Foreign Policy nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã đem lại cho Trung Quốc cơ hội gây ảnh hưởng ở Mỹ Latinh nhờ triển khai chính sách ngoại giao vaccine thành công và nhanh chân hơn Mỹ.
Để vượt qua những gì Trung Quốc đã nỗ lực tại khu vực Mỹ Latinh trong suốt một năm qua, Mỹ còn rất nhiều việc phải làm mà trước tiên là đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và chia sẻ vaccine theo đúng cam kết. (Nguồn: SCMP)

Hơn một năm từ khi xảy ra đại dịch, Trung Quốc đã chớp lấy thời cơ cải thiện vị thế của mình ở Mỹ Latinh với tư cách là nhà tài trợ phần lớn các loại vaccine được phân phối ở khu vực này.

Cho đến nay, Mỹ Latinh đã trải qua nhiều làn sóng Covid-19khiến hơn 1 triệu người tử vong. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã xuất hiện và sử dụng ngoại giao vaccine để tăng cường vai trò tại khu vực vốn gần gũi với Mỹ về mặt địa lý.

Thiên thời, địa lợi

Bất chấp những hoài nghi về quá trình thử nghiệm hay tính hiệu quả, vaccine Trung Quốc vẫn được đón nhận ở Mỹ Latinh, đơn giản vì Bắc Kinh là sự trợ giúp duy nhất mà khu vực này có, trong khi các cường quốc khác không đáp ứng được.

Tính đến giữa tháng 5, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng hơn 250 triệu liều vaccine, tương đương 42% tổng sản lượng vaccine Covid-19 trên thế giới, trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 3 triệu liều, chiếm khoảng 1% sản lượng thế giới.

Điều đáng nói là hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc, khoảng 165 triệu liều thuốc là được dành cho Mỹ Latinh.

Trong khi đó, phản ứng nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đại dịch bùng phát trở lại Ấn Độ hồi mùa Xuân là dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô đối với vaccine - điều mà Mỹ đã không áp dụng đối với các nước Mỹ Latinh dù tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại khu vực này cũng tăng vọt tương tự, đã khiến các quốc gia Nam Mỹ "phật lòng".

Giải thích về điều này, cựu Đại sứ Brazil tại Mỹ Rubens Ricupero nhận định trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Brazil thiếu tầm quan trọng chiến lược tương tự (so với Ấn Độ)”.

Tất cả những điều này đã tạo đòn bẩy cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đáng kể với các quốc gia trên khắp khu vực Mỹ Latinh.

"Sợi dây ràng buộc"?

Với tư cách là nhà cung cấp vaccine chính của Mỹ Latinh, Bắc Kinh đang sử dụng vị thế mới này nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Hiện Honduras và Paraguay là hai nước Mỹ Latinh không nhận được vaccine ngừa Covid-19 từ Trung Quốc, lý do được cho là bởi hai nước này duy trì quan hệ với Đài Loan.

Chính phủ Honduras gần đây đã thừa nhận rằng việc duy trì quan hệ với Đài Loan, song song với nhu cầu cấp bách về vaccine đã đặt nước này vào một “tình huống khó khăn”.

Tại Paraguay, nơi mà hệ thống y tế gần như bất lực trước các làn sóng Covid-19, chính phủ phải đối mặt với các cuộc biểu tình gây áp lực từ dân chúng yêu cầu cắt đứt quan hệ với Đài Loan để đổi lấy vaccine.

Trong khi đó, tại Brazil, ý định của Tổng thống Jair Bolsonaro về việc cấm công ty công nghệ của Trung Quốc Huawei, như một cử chỉ ủng hộ Mỹ, đã vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng vì lo ngại động thái này có thể hạn chế khả năng tiếp cận vaccine của Bắc Kinh.

Mỹ cũng nhiều lần lên tiếng cho rằng Trung Quốc đã dùng ngoại giao vaccine đi cùng "sợi dây ràng buộc chính trị".

Phía Trung Quốc hoàn toàn phủ nhận các cáo buộc này, nhưng chắc chắn việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 đã giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại Nam Mỹ cũng như trên thế giới.

Đại đa số các nước Mỹ Latinh mới chỉ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. (Nguồn: AFP)

Cơ hội nào cho Mỹ?

Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể lấy lại ảnh hưởng địa chính trị mà nước này đã mất tại khu vực Mỹ Latinh trong năm qua nhờ những lợi thế riêng.

Thứ nhất, đại đa số các nước Mỹ Latinh mới chỉ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Tại Peru, Ecuador và Bolivia, tỷ lệ tiêm chủng đều dưới 10%. Ở Venezuela, chưa đến 1% dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Trong bối cảnh đó, việc tài trợ lượng vaccine khổng lồ của Mỹ sẽ được đón nhận rộng rãi tại khu vực này.

Thứ hai, nếu được lựa chọn giữa vaccine của phương Tây và vaccine do Trung Quốc sản xuất, thì đại đa số người dân Mỹ Latinh sẽ chọn loại vaccine phương Tây, do tỷ lệ hiệu quả cao hơn nhiều.

Điều này cũng phản ánh thực tế ở Chile và Uruguay, mặc dù hai nước này đã triển khai tiêm vaccine do Trung Quốc tài trợ, nhưng các ca bệnh vẫn tăng lên.

Thứ ba, ngoại giao vaccine mang tính "ràng buộc" của Bắc Kinh bị phản tác dụng kể từ khi Mỹ tham gia vào cuộc đua ngoại giao vaccine với tuyên bố việc Mỹ chia sẻ vaccine với thế giới không đòi hỏi bất cứ ràng buộc, ân huệ hay nhượng bộ chính trị nào

Các nhà phân tích và hoạch định chính sách Mỹ Latinh từ lâu đã coi khu vực này như một chiến trường trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington, nơi mọi động thái, kể cả trong lĩnh vực y tế, sẽ tác động tới bàn cờ chiến lược giữa các cường quốc.

Mặc dù vậy, để vượt qua những gì Trung Quốc đã nỗ lực tại khu vực này trong suốt một năm qua, Mỹ còn rất nhiều việc phải làm mà trước tiên là đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và chia sẻ vaccine theo đúng cam kết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã tuyên bố Washington sẽ tài trợ hàng triệu liều vacine từ nguồn cung của mình thông qua cơ chế Tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa Covid-19 (COVAX).

Tuy nhiên, đợt đầu tiên chỉ có 6 triệu liều dành cho Trung và Nam Mỹ. Con số này rất nhỏ so với những gì Trung Quốc đã làm. Nhận xét về sự chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ với khu vực, Đại sứ của Trung Quốc tại Brazil Yang Wanming nói: “Có còn hơn không”.

Mới đây, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech để tặng cho các nước trên toàn thế giới.

Mặc dù, chỉ riêng việc chia sẻ vaccine sẽ không đủ để bù đắp những thiếu sót trong chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh và kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng đó sẽ là bước đầu cần thiết để Mỹ khẳng định lại vị thế ngay tại "sân sau" của mình.


*Oliver Stuenkel là Phó giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Trung tâm Getulio Vargas ở São Paulo, Brazil.

(theo Foreign Policy)