📞

Văn hóa học đường có giải quyết được bài toán học thật, thi thật, nhân tài thật?

Văn Hiền 10:21 | 19/11/2021
Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề 'Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo' sẽ hướng đến một nền giáo dục trung thực.
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" là sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo Giáo dục (VEC) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được tổ chức thường niên từ năm 2017 và là hội thảo đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Theo đó, ngày 21/11, tại điểm cầu Nhà Quốc hội sẽ diễn ra Hội thảo có sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, kết nối trực tuyến với khoảng 300 đại biểu. Dự kiến lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Bài toán "học thật, thi thật, nhân tài thật"

Hội thảo Giáo dục 2021 sẽ gồm phiên chung và phiên chuyên đề thảo luận. Ở phiên chung sẽ trình bày về thực trạng văn hóa học đường từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước; ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế về thách thức, kiến nghị và giải pháp về văn hóa học đường tại Việt Nam.

Ở phiên chuyên đề thảo luận sẽ nêu lên 3 nhóm vấn đề: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ với các yếu tố tác động bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường và văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong nước và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp cùng với cơ chế, chính sách để việc tổ chức thực hiện hiệu quả.

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết, hội thảo là một hoạt động hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tổ chức vào ngày 24/11.

Qua hội thảo này sẽ giải đáp được vấn đề đặt ra với văn hóa học đường, văn hóa nhà trường, văn hóa giới trẻ; góp phần nhìn nhận và khẳng định lại giá trị văn hóa đất nước. Đồng thời, giải quyết một số vấn đề hiện nay, trước hết là vấn đề giáo dục như học thật, thi thật, nhân tài thật.

"Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và hình thành thế hệ những con người Việt Nam trí tuệ, bản lĩnh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và đầy thách thức hiện nay", ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ quyết tâm không để đứt gãy về tri thức. Nếu có sự đứt gãy về kiến thức và mất căn bản về kiến thức thì lấy lại rất khó. Chúng ta không thể để một thế hệ bị đứt gãy, hụt hơi vì kiến thức thì nỗ lực của cả dân tộc, đất nước và đặc biệt là ngành giáo dục. Đó chính là một nét văn hóa tiếp thu của dân tộc rất can trường, càng khó khăn thì sẽ vươn lên và sáng tạo".

Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho hay, hội thảo đã nhận được hơn 200 tham luận của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó phần lớn về chủ đề "Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường".

Theo bà Nga, việc xây dựng văn hóa học đường trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

"Theo nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: "Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà giáo tại Hội thảo được hy vọng sẽ kiến nghị những giải pháp thiết thực, những chính sách nhằm tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, hướng đến một môi trường văn hóa học đường tích cực, một nền giáo dục trung thực, học thật, thi thật, nhân tài thật", bà Tuyết Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cũng cho biết thêm: "Do tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, môi trường văn hóa, xã hội thay đổi, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với văn hóa học đường, như biểu hiện thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học… Thực trạng này cần nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, đầy đủ và khách quan trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học".

Khi được hỏi lý do chọn chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" cho Hội thảo Giáo dục 2021, ông Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ: "Đây là hoạt động thường niên vì phải xác định từ năm trước, nhưng cũng rất hợp lý về bối cảnh hiện nay. Văn hóa là gốc rễ của vấn đề, văn hóa giúp đỡ cho sự phát triển.

Trong 2 năm vừa qua, giáo dục đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách chưa từng có đối là vấn đề của các thầy cô, học sinh và phụ huynh. Mong mỏi và khát vọng học tập, ý chí vươn lên của con người Việt Nam, quyết tâm học thật thi thật, năng lực thật thành người để làm nền tảng phẩm chất của con người Việt Nam.

Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, nhưng cốt lõi văn hóa và văn hóa học đường cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nó là ứng xử của con người với con người, ứng xử con người với trách nhiệm giáo dục, là tầm nhìn xa trong chiến lược phát triển con người".

Hoàn thiện nhân cách học sinh, sinh viên

Sau khi kết thúc Hội thảo Giáo dục 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn ngành giáo dục tăng cường nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của giáo dục giá trị và xây dựng văn hóa học đường trong việc hoàn thiện nhân cách của học sinh, sinh viên nói riêng, của thế hệ trẻ mầm non tương lai của đất nước nói chung.

Cần xây dựng chương trình, đề án tổng thể về tăng cường giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn trung và dài hạn. Trước mắt, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành chỉ thị về xây dựng môi trường văn hóa học đường và phát động phong trào thảo luận sâu rộng trong toàn ngành về tăng cường thi đua xây dựng "nếp sống văn hóa", xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng muốn có sự cần quan tâm khung pháp lý liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành hiện có.

Nghiên cứu để chế định ở mức độ cao hơn các quy định, quy chế của các bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý đối với các quy định về xây dựng hệ giá trị văn hóa, văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa học đường nói riêng. Xây dựng thiết chế văn hóa học đường làm cơ sở cho định hình văn hóa mới trong trường học; xây dựng quy chế, nội quy hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các trường học.

Chính phủ, địa phương và cơ sở cũng cần tăng cường đầu tư, đảm bảo các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm một sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục phù hợp.

Trường học các cấp cũng cần đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học. Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng.

(theo Dân trí)