Hào hứng bước vào rạp Tháng Tám, Hà Nội để xem bộ phim 27 Lần Cưới, nhưng chỉ ngồi được nửa tiếng An và Đông đã phải bỏ về. Không phải bởi phim dở, rạp dột hay chuột chạy dưới chân.
Hiếm khi thấy người dân xếp hàng trật tự để mua vé |
Lý do còn bực mình hơn nhiều lần những giả thiết oái ăm đó: một đôi trai gái ngồi hàng trước cứ oang oang vừa xem vừa bình luận, không cần biết xung quanh họ có ai.
Kể cũng lạ, báo chí cứ ra rả rằng Việt Nam thiếu các nhà phê bình điện ảnh mà không biết họ ở đây trong rạp đấy thôi. Tuổi của họ thường là trẻ, dáng ngồi của họ thường là vắt chân lên ghế trước (một số người cá biệt còn đạp), khẩu hình của họ thường là bèn bẹt theo chiều hạt dưa, hoặc nhóp nhép theo chiếc kẹo cao su đang lộn nhào trong miệng.
Ngôn ngữ phê bình của họ thì rất phong phú: có đủ cả sinh ngữ thuần văn hóa lẫn thuật ngữ trong giải phẫu cơ thể người. Phương pháp lý luận của họ cũng rất đa dạng.
Họ có thể bình luận cảnh cô Kiều (diễn viên Trương Ngọc Ánh, phim Sài Gòn Nhật Thực) đang quay lưng tắm theo phương pháp ngoại suy, kiểu “cảnh này quay từ đằng trước chắc chắn đẹp hơn”, hoặc cảnh Hằng Nga (diễn viên Thanh Thúy, phim Vũ Điệu Tử Thần) nhảy trong quán bar bí mật theo phương pháp tổng hợp, kiểu: “Úi giời, có cả lắc mông như Mỹ lẫn múa bụng như Ả Rập.”
Đến rạp không chỉ có những nhà phê bình như vậy. Không khó để gặp ở đây cả những người rất yêu nghệ thuật, yêu đến mức nóng lòng muốn thưởng thức nó ngay nên không đủ kiên nhẫn để xếp hàng mua vé (dù là hàng không quá dài), và buộc phải chen ngang.
Chính vì lý do này mà cụm rạp MegaStar Hà Nội - dù đánh giá rất cao tình yêu điện ảnh của họ - đã phải yêu cầu nhân viên quan sát để không bán vé cho những người chen lên trước.
Cũng không khó để gặp ở các rạp chiếu phim bây giờ những nhà hoạt động xã hội tích cực. Lý tưởng của họ là tạo thêm công ăn việc làm cho người khác, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới nghệ thuật và tăng thu nhập bù vào đồng lương ít ỏi.
Thế nên họ đến rạp để... xé poster quảng cáo phim mới (nếu không thì những người đi dán chúng sẽ không có việc để làm), xả rác ra sàn (nhằm tăng thời gian làm việc ngoài giờ cho lao công).
Một chuyên viên phụ trách việc phát hành phim của MegaStars than thở rằng cứ mấy hôm chị lại được thông báo poster phim mới dán đã bị khách xé mất, trong khi dự định ban đầu là 2-3 tuần mới phải thay.
Còn trong đợt Tết âm lịch vừa qua, nhân viên của cụm rạp này có ngày phải làm việc đến 4h sáng mới dọn sạch được rác bị xả vô tư khắp các hàng ghế. Mặc dù rất cám ơn “thiện chí” của những vị khách kiểu này, nhưng quản lý rạp cũng từng phải trả lại tiền vé và mời ra khỏi rạp một cặp khán giả “nhiệt tình quá mức”.
Chị Thu Hạnh, quản lý kinh doanh của Cinema I Việt Nam, chưa đến mức phải “thất lễ” như vậy nhưng nhân viên của chị, ở rạp Dân Chủ, thì luôn phải mỏi miệng nhắc khán giả “không được ăn hạt dưa, không ăn kẹo cao su...” suốt buổi chiếu mặc dù đã phải thông báo trước buổi chiếu.
“Bây giờ chúng tôi bỏ hẳn việc phát thông báo đó vì biết có phát cũng như không”, chị Hạnh nói. Đến rạp, “nghễnh ngãng” như những khán giả ở trên cũng nhiều, mà đãng trí như ở dưới đây cũng lắm.
Một số người đi xem phim nhưng lại cứ nghĩ mình đang họp, điện thoại chíu chít “alô, ừ em cứ để trên bàn anh, tí về anh ký”, “alô, dạ sếp yên tâm, em nhớ rồi ạ.”
Một số người thì lại lầm tưởng mình vẫn đang ở nhà chỉ đạo ô-sin, “alô, cháu để ý hộ cô cái nồi cá kho trên bếp”, “alô, cái áo lụa cô vắt trên mắc phải giặt bằng tay đấy nhé”.
Một số người khác lại không phân biệt nổi rạp chiếu bóng với nhà trẻ, báo hại các khán giả đang đắm đuối với cảnh bãi biển ngập tràn nắng thì giật mình vì tiếng trẻ con khóc ré, đòi đi tè.
Một số nữa thì coi ghế rạp chiếu cùng chủng loại với ghế đá công viên, và cùng luôn cả chức năng sinh ra để đỡ cho những cuộc tình khỏi mỏi chân.
Nhưng khó chịu nhất vẫn là những người lầm thời gian, vào rạp khi phim đã chiếu được cả nửa tiếng. Bởi vì họ đã làm phiền (và thiếu tôn trọng) rất nhiều người - những người đến rạp chiếu phim để ăn kẹo cao su, cắn hạt hướng dương, gác chân lên ghế, bình luận, chỉ trỏ, hẹn hò, xé poster, chỉ đạo nhân viên, dặn dò ô-sin, trông nom con trẻ...
Theo Sành Điệu