Vai trò của văn hóa trong sự phát triển của một quốc gia, dân tộc là khía cạnh được quan tâm và nhận thức ngày càng toàn diện. Trong một thế giới toàn cầu hóa, mối quan hệ giữa văn hóa và ngoại giao ngày càng được các quốc gia, dân tộc chú trọng đặc biệt. Bên cạnh quyền lực cứng, hướng tới sử dụng quyền lực thông minh đang dần trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nhiều nước. Yếu tố văn hóa – đặc biệt là vị trí và mối tương quan của nó trong công tác đối ngoại – ngày càng được nhận thức rõ ràng và vận dụng hiệu quả.
Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. |
Bắt đầu từ khái niệm
Giới học thuật vẫn còn nhiều khác biệt trong đưa ra một định nghĩa đủ và thống nhất về khái niệm Văn hóa, nhưng trên thực tế, văn hóa là một “khí quyển tinh thần” quen thuộc trong nhận thức con người. Với tư cách là một sản phẩm được sinh ra sau những tương tác của con người với đời sống, văn hóa đã tồn tại và song hành một cách tự nhiên, tất yếu và quen thuộc cùng nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử của các nền văn minh. Chính sự song hành tự nhiên này là lý do khiến văn hóa khó được định nghĩa chính xác về mặt học thuật: nó vừa hiện diện trong phổ rộng lớn các lĩnh vực của đời sống, vừa mang dáng dấp trừu tượng của sản phẩm tinh thần.
Một trong những định nghĩa được chấp nhận rộng rãi nhất là của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trên cơ sở này, các quốc gia và những ngành nghiên cứu khác nhau lại có những sự biến đổi tương đối trong việc định nghĩa, nhằm phục vụ mục đích chính trị hoặc học thuật của mình.
Bởi vậy, khi được soi chiếu từ những góc độ khác nhau, khái niệm Văn hóa lại có những sự biến đổi. Hiểu được điều này sẽ giúp mỗi người chấp nhận tính tất yếu của khác biệt trong cách định nghĩa Văn hóa, từ đó có cách tiếp cận cởi mở và ít bảo thủ hơn đối với một khái niệm mà sự đa dạng trong cách hiểu và diễn đạt là không thể tránh khỏi.
Năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa".
Định nghĩa này đã giải thích nguyên nhân hình thành cũng như hai tính chất rất nổi bật của văn hóa: đó trước hết là sự sáng tạo mang tính sống còn của con người khi bị thử thách qua hoàn cảnh, nhưng cao hơn, còn là những sản phẩm tinh thần phục vụ “mục đích của cuộc sống” – những mục đích khác nằm ngoài, và cao hơn mục đích sinh tồn. Đó là lý do mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi định nghĩa về văn hóa theo nghĩa hẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, văn hóa “là một kiến trúc thượng tầng”.
Kiến trúc ấy là thành quả của nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, dựng nước và đấu tranh giữ nước. Đó còn là vẻ đẹp thoát thai từ một lãnh thổ rộng mở cho sự giao thiệp, từ một nền nông nghiệp trù phú nhờ sông nước, bởi vậy mà không ngừng đón nhận, tiếp biến những tinh hoa văn hóa của nhân loại để bồi đắp, hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam, vì thế, chính là tâm hồn, khí phách, phẩm chất của dân tộc Việt Nam – những nội lực đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Văn hóa trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc
Sự hình thành và phát triển của văn hóa giống như sự lắng đọng của phù sa, âm thầm định hình và bồi đắp nên bản sắc dân tộc (nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt). Văn hóa, bởi thế, phải là sản phẩm được hình thành sau những tương tác của con người, những cộng đồng người với đời sống. Đó là một dạng kinh nghiệm ứng xử với cuộc sống, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Vì vậy, dù có một độ trễ tất yếu, văn hóa luôn đồng hành cùng lịch sử loài người.
Chính bởi văn hóa và lịch sử loài người có mối liên hệ mật thiết, nên khi lịch sử thay đổi, nội hàm của văn hóa luôn thay đổi theo. Văn hóa, vì thế, không phải là một khái niệm bất biến, được ấn định từ đầu và bất khả di dịch cho một dân tộc, mà nội hàm của nó luôn mới khi hoàn cảnh lịch sử có những nét mới.
Thế giới hiện nay là một ví dụ về mối quan hệ khăng khít giữa lịch sử và nội hàm của văn hóa. Trước Cách mạng Công nghiệp 4.0, địa văn hóa vẫn là cơ sở quan trọng để phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, quốc gia này với quốc gia khác. Tuy nhiên ngày nay, khi toàn cầu hóa đã làm phẳng thế giới, và sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến biên giới địa lý không còn là trở ngại, thì địa văn hóa đã mất dần giá trị khu biệt tuyệt đối như trước.
Văn hóa là giá trị làm nên sự minh triết của một quốc gia, dân tộc. Một nền văn hóa được nuôi dưỡng, được vun đắp cho phong phú và lành mạnh, sẽ có khả năng định hướng, dẫn dắt một quốc gia tiến những bước dài và vững chắc trên con đường phát triển và vươn ra thế giới. |
Một nét mới khác là ngày nay, bên cạnh nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, thì trong tiến trình hội nhập, các quốc gia đã góp phần hình thành nên một nền văn hóa toàn cầu. Nếu xem văn hóa như phù sa - thứ được lắng đọng sau những sự tương tác - thì cộng đồng quốc tế ngày nay đã có đủ kinh nghiệm về sự tương tác để sở hữu thứ “phù sa” của riêng mình. Đó chính là những thông lệ, quy cách ứng xử chung được các quốc gia công nhận và thực hành trong các hoạt động quốc tế.
Nếu thế giới được hình dung như một phiên chợ mà trong đó, mỗi quốc gia là một thương nhân với văn hóa riêng biệt, thì “phiên chợ thế giới” - sau khi được “họp” đủ nhiều lần - đã bắt đầu hình thành nên một “văn hóa chợ phiên” mà mỗi thương nhân đều là người đóng góp, chia sẻ và công nhận. Những nguyên tắc hoạt động chủ đạo được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nét “văn hóa chợ phiên” như thế.
Như vậy, độ mở và nền văn hóa toàn cầu là hai trong rất nhiều nét mới của khái niệm văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Độ mở trong việc đón nhận các dòng chảy văn hóa là một chỉ dấu cho thấy mức độ sẵn sàng hợp tác của một quốc gia với thế giới. Một quốc gia có độ mở càng lớn, quốc gia đó càng có khả năng dung hòa được những nét đặc sắc của nền văn hóa riêng với những giá trị phổ quát của nền văn hóa toàn cầu.
Ngược lại, những quốc gia khép mình sẽ duy trì một trạng thái tương đối bảo thủ về mặt văn hóa, không hoàn toàn hành xử theo những thông lệ đã được thiết lập, và có những “cách thức riêng” để giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này của Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong tiến trình vận động của đất nước. Văn hóa là giá trị làm nên sự minh triết của một quốc gia, dân tộc. Một nền văn hóa được nuôi dưỡng, được vun đắp cho phong phú và lành mạnh, sẽ có khả năng định hướng, dẫn dắt một quốc gia tiến những bước dài và vững chắc trên con đường phát triển và vươn ra thế giới. Tiếp thu tinh thần đó, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Văn hóa trong chính sách và hoạt động ngoại giao
Hoạt động ngoại giao trước hết luôn là hoạt động tiếp xúc văn hóa. Sự tiếp xúc này diễn ra thường xuyên và tất yếu trong quá trình tương tác giữa các nền văn minh. Khi hai quốc gia gặp nhau, dù là với bất kỳ mục đích kinh tế, chính trị nào, thì những sự trao đổi đầu tiên luôn là những trao đổi tự nhiên về văn hóa.
Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong một hoạt động mà cung cách, tác phong của người thực thi nhiệm vụ được chú trọng đặc biệt như hoạt động ngoại giao. Bản thân một nhà ngoại giao - ngay từ khi xuất hiện, trước khi chính thức tuyên bố một thông điệp chính trị hay kinh tế - đã luôn là một thông điệp văn hóa.
Mỗi nhà ngoại giao là một đại diện của quốc gia, dân tộc. Mỗi cử chỉ của nhà ngoại giao trước công chúng có tính chất đại diện cho cử chỉ, cung cách hành xử của cả một tập thể nhân dân, và bởi vậy, nhà ngoại giao có trách nhiệm thể hiện văn hóa của đất nước mình một cách chuyên nghiệp và có chủ đích trước con mắt của cộng đồng quốc tế.
Văn hóa đối ngoại “không phải là một loại hình văn hóa riêng biệt của ngành ngoại giao, mà là sự biểu lộ các giá trị văn hóa Việt Nam đã thấm sâu vào tư tưởng, trí tuệ, phong cách của những cán bộ làm công tác ngoại giao” (Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh). |
Mặt khác, những nét mới trong nội hàm của khái niệm văn hóa - như đã được trình bày - đặt ra một nhiệm vụ cho những người nghiên cứu, xây dựng chính sách, cũng như những nhà ngoại giao: Đứng trước một giai đoạn mới của thời đại, họ phải nhạy bén cập nhật những nét mới trong nội hàm của khái niệm văn hóa. Sự cập nhật diễn ra càng kịp thời, thì sự nghiên cứu, hoạch định chính sách và thực thi nhiệm vụ đối ngoại càng đúng đắn và hiệu quả. Văn hóa trong ngoại giao, vì thế, vừa là một đối tượng để nghiên cứu, vừa là một sự thể hiện chuyên nghiệp của nhà ngoại giao khi thực thi công việc của mình.
Văn hóa được biểu hiện một cách tự nhiên và không thể bị tách rời khỏi hoạt động ngoại giao, nên việc nhận thức đúng về văn hóa sẽ trao cho các quốc gia khả năng sử dụng nó nhưng một lợi thế. Từ phía mình, những nhà ngoại giao biết chính xác khía cạnh văn hóa nào nên được thể hiện một cách có chủ đích trong các cuộc tiếp xúc, đồng thời, họ quan sát được những biểu hiện văn hóa từ phía đối phương để điều chỉnh mình cho phù hợp với thiên hướng tiếp nhận - một thứ thiên hướng được tạo nên từ nền văn hóa đặc thù.
Trên bất kỳ lĩnh vực đối ngoại nào, một nhà ngoại giao luôn có khả năng thể hiện khéo léo, tự nhiên những nét đẹp văn hóa của quốc gia, dân tộc. Văn hóa đối ngoại “không phải là một loại hình văn hóa riêng biệt của ngành ngoại giao, mà là sự biểu lộ các giá trị văn hóa Việt Nam đã thấm sâu vào tư tưởng, trí tuệ, phong cách của những cán bộ làm công tác ngoại giao” (nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh). Vì thế, bên cạnh việc được tiến hành như những chiến lược ngoại giao văn hóa, thì văn hóa còn cần được lồng ghép một cách tự nhiên vào các hoạt động và lĩnh vực đối ngoại.
Các phu nhân lãnh đạo APEC khám phá phố cổ Hội An nhân sự kiện APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Năm APEC Việt Nam 2017 là một kinh nghiệm quý báu chứng minh thành công của việc lồng ghép ngoại giao văn hóa một cách tự nhiên vào ngoại giao chính trị và kinh tế. Được tổ chức vào một thời điểm bất lợi - giữa ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão Damrey - ngoại giao Việt Nam đã khéo léo biến nguy thành cơ, khắc phục hậu quả của cơn bão với một ý chí kiên cường và tác phong chuyên nghiệp, chứng minh với bạn bè quốc tế khả năng ứng biến linh hoạt, tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong nguy biến. Trước thời điểm khai mạc Diễn đàn APEC hai ngày, cơn bão Damrey quét qua Đà Nẵng, gây những thiệt hại nghiêm trọng, phá hủy gần như hoàn toàn công sức chuẩn bị trong suốt hai năm. Nhưng chỉ sau vài giờ, ban tổ chức và người dân Đà Nẵng đã dốc sức khắc phục kịp thời hậu quả, trả lại một Đà Nẵng “như chưa từng có trận bão nào tràn qua”. Sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm của nhân dân với chính phủ, sự quyết tâm và khả năng xoay chuyển tài tình của người Việt Nam đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng quốc tế. Cũng trong sự kiện APEC, với tinh thần thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần chia sẻ, tìm kiếm tương đồng, kiềm chế khác biệt, phát huy kết nối và hòa giải. Thái độ này đã gây được thiện cảm lớn và để lại ấn tượng đặc biệt với bạn bè quốc tế về tinh thần hội nhập cởi mở và năng lực hợp tác quốc tế của Việt Nam. “Dấu ấn APEC Việt Nam” chỉ là một trong rất nhiều ví dụ tiêu biểu, thể hiện tinh thần chủ động, khéo léo lồng ghép những giá trị Việt Nam vào trong các hoạt động đối ngoại chính trị và kinh tế của đất nước. |
Bồi đắp và lắng đọng
Văn hóa là một sản phẩm tinh thần riêng biệt của mỗi một quốc gia, dân tộc, và có giá trị đặc biệt trong hoạt động ngoại giao. Việc nhận thức đúng về vai trò, sức mạnh của văn hóa, cũng như vị trí của văn hóa đối ngoại, là nền tảng quan trọng để triển khai nghiên cứu về đường lối đối ngoại. Đến lượt mình, thành quả nghiên cứu ấy sẽ được chuyển hóa thành sự thể hiện tự nhiên, duyên dáng và thuyết phục của nhà ngoại giao nói riêng, và của cả một nền ngoại giao nói chung, trước sự quan sát của cộng đồng quốc tế.
Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế, Ngoại giao văn hóa là một trụ cột với nội hàm quan trọng của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta, góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vai trò của văn hóa trong đối ngoại, theo tinh thần đó, đã được nhìn nhận thấu đáo trong sự đổi mới tư duy của Đảng, và được thể hiện đậm nét tại phần "quan điểm chỉ đạo" của Văn kiện Đại hội XIII: "Phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần … Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, … sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam".
Năm 2021, đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, với các mục tiêu phát triển đến các năm 2025, 2030 và 2045. Đây cũng là một năm quan trọng đối với ngoại giao văn hóa: Chiến lược Ngoại giao văn hóa 2011-2020 đã được triển khai với nhiều thành tựu, tạo động lực để Việt Nam tiếp tục xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa cho thập kỷ mới.
Đây là một quá trình đòi hỏi những nỗ lực nghiên cứu mới, quan sát những “phù sa” văn hóa mới mà thế giới đã lắng lọc qua một giai đoạn đầy biến động, từ đó, trình bày Việt Nam như một quốc gia có khả năng bổ khuyết, đóng góp vào đời sống tinh thần chung, có những phẩm chất mà thế giới trông cậy và tin tưởng, để cùng vượt qua thách thức của hiện tại, và chung tay kiến tạo tương lai.
Ngoại giao văn hóa Việt Nam qua đó, sẽ góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước, củng cố sức mạnh mềm, giá trị của bản sắc quốc gia trên trường quốc tế, để những dấu ấn mang tên “Việt Nam” ngân vang và lắng đọng trong tâm thức của các quốc gia, dân tộc và bạn bè quốc tế; góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường và chấn hưng dân tộc, để hòa chung vào dòng chủ lưu của nhân dân thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.