Nhà văn Viktor Rydberg. |
Sách thiếu nhi Thụy Điển là loại văn học được dịch và bán chạy nhất trong các thể loại. Đặc biệt là sách tranh. Nếu xét toàn bộ sách cho thanh thiếu niên xuất bản ở Thụy Điển thì hơn 50% là sách dịch từ các ngữ khác sang, nhất là từ tiếng Anh. Tuy vậy, từ sau Thế chiến II, cứ mười cuốn sách Thụy Điển được dịch sang tiếng nước ngoài, sáu cuốn là sách thanh thiếu nhi. Nhiều họa sĩ minh họa được giải thưởng quốc tế.
Những năm 80 của thế kỷ XX, truyện tranh Thụy Điển thay da đổi thịt, thể nghiệm những tìm kiếm mới về hình thức, thẩm mỹ tranh vẽ, tuy vẫn tiếp tục truyền thống kể chuyện hiện thực và vững vàng theo truyền thống bà Elsa Beskov. Truyện tranh không còn là độc quyền của độc giả nhi đồng nữa mà đã lôi cuốn cả các độc giả lớn tuổi hơn. Do đó, vấn đề đặt ra là phải phân loại truyện tranh theo các lứa tuổi cho thật khoa học.
Có thể chia quá trình lịch sử văn học thiếu nhi Thụy Điển làm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ thế kỷ XVI cho đến hơn nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn hình thành. Đa số tác giả là nam. Mục đích chủ yếu của sách thiếu nhi là phục vụ nhu cầu người lớn sử dụng văn học như là một phương tiện giáo dục: dạy luân lý, dạy cách ăn ở, nuôi dưỡng ý thức tôn giáo. Sách làm ra để trẻ con đọc nhưng lại ít chú ý đến nhu cầu nội tại của trẻ con.
Cuốn sách thiếu nhi Thụy Điển đầu tiên xuất bản năm 1591; đó là bản phỏng dịch bài giảng ở nhà thờ về thời kỳ con gái do linh mục Đức Konrad Porta sáng tác. Trong thế kỷ XVII, khoảng 40 đầu sách thiếu nhi được xuất bản, phần nhiều dịch các sách tôn giáo, truyện ngụ ngôn, sách dạy lễ phép. Có cả một cuốn Kinh thánh cho trẻ em được xuất bản năm 1683. Rất ít sách thiếu nhi được sáng tác ở Thụy Điển.
Trong thế kỷ XVIII, khuynh hướng ở trên vẫn tồn tại. Nhưng đã xuất hiện một số sách quan tâm kết hợp cả giải trí cho trẻ em (đó là quan niệm của Thế kỷ Ánh sáng). Năm 1776, tờ tạp chí thiếu nhi đầu tiên ra đời, Thụy Điển đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Nửa đầu thế kỷ XIX, phong trào văn hóa dân gian phát triển, đề cao dân ca, trò chơi trẻ em và truyện cổ dân tộc; khuynh hướng này đặt nền móng cho thể loại truyện thần tiên, bài hát trẻ em, bài hát ru con: truyện cổ tích Pháp của Perrault và Nghìn lẻ một đêm Arab rất được hâm mộ. Giữa thế kỷ XIX, nhà văn nữ F. Bremer, người cầm cờ trong phong trào phụ nữ, lập ra ở thủ đô một hội từ thiện phụ nữ giúp cho trẻ em các gia đình cơ cực được đọc sách.
Giai đoạn hai, từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX cho đến hết Thế chiến II, là giai đoạn tự khẳng định tích cách, nở rộ rồi chững lại.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, độc giả thiếu nhi chỉ thuộc các tầng lớp thượng và trung lưu. Mãi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XIX và bước sang thế kỷ XX, các con em lao động mới có điều kiện đọc. Trong giai đoạn đầu, những sáng tác riêng của Thụy Điển với nội dung tưởng tượng hay hiện thực đều quá ít. Giai đoạn mới sau này, ngày càng có nhiều tác giả tài năng là nữ lấp chỗ trống ấy. Z.Topelius (1818-1898) là tác giả có ảnh hưởng lớn do tám tập của Bộ Sách đọc cho trẻ em (1836-1896) gồm các bài hát, truyện thần tiên, kịch; ông đặt trẻ em vào trung tâm sáng tác; khéo kết hợp sự việc thực tế hàng ngày với óc tưởng tượng bay bổng. Xuất bản năm 1871, Những truyện phiêu lưu của em Vich đêm hôm lễ Giáng sinh của Viktor Rydberg trở thành tác phẩm cổ điển đầu tiên của văn học thiếu nhi Thụy Điển.
Những sách tranh truyện Thụy Điển cũng ra đời do kỹ thuật in được cải tiến; mặt khác, cũng do sự phản ứng của độc giả chán ngán những sách tranh truyện nhập từ Đức và Anh vào. Trong đó, lời và tranh thường về hát ru con và truyện trẻ em trong khung cảnh Thụy Điển, đặc biệt là rừng. Tác giả nổi nhất trong sách tranh truyện là bà Elska Beskov (1874-1953); bà vừa viết lời vừa vẽ. phản ánh tính cách thanh thiếu niên. Mặc dù vẫn thấm nhuần đạo lý của thời trước, tô hồng đời sống tư sản, những tác phẩm của bà như Những cuộc phiêu lưu của Put-te ở xứ Đậu xanh, Bà cô Lục, Bà cô Nâu và Bà cô Oải hương vẫn còn hấp dẫn trẻ em. Bà vẽ thuốc nước rất tài.
Từ năm 1899-1954, tủ sách Truyện kể cho trẻ em bao gồm cả những tác phẩm văn học thiếu nhi thế giới, ra đều đặn một loạt sách bán rẻ, cùng một khổ, rất có uy tín, lôi cuốn sự cộng tác của những nhà văn và họa sĩ Thụy Điển lớn. Nhà văn nữ S. Lagerlöf cũng viết hai cuốn cho Tủ sách này, trong đó Cuộc du lịch kỳ diệu của Ninx Hon-ghec-xơn (1906-1907), được coi là một tác phẩm cổ điển của văn học thiếu nhi thế giới.
Viết Cuộc du lịch kỳ diệu của Ninx hẳn Lagerlöf có chịu ảnh hưởng của bà Ellen Key (1849-1926), một nhà văn hơn bà chín tuổi, lãnh tụ phong trào phụ nữ, chủ trương nâng giá trị thẩm mỹ và văn học của sách thiếu nhi lên. Cuốn Thế kỷ của trẻ em của bà xuất bản đúng năm 1900, tiên tri cho thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của trẻ em. Quan niệm không tưởng của bà tiêu biểu cho một lý tưởng có cạnh khía truyền thống Thụy Điển, ít nhiều mang màu sắc thần bí và cảm tính. Tác phẩm có tiếng vang quốc tế, chứa đựng những tư tưởng chủ đạo của bà về phụ nữ và gia đình. Theo bà, trẻ em trước kia chỉ có vị trí ngoại vi xã hội; thế kỷ XX phải đặt trẻ em vào vị trí trung tâm, trẻ em phải có vai trò tích cực, phải được nhìn một cách độ lượng.
Từ năm 1910 đến hết Thế chiến II (1945), văn học thiếu nhi Thụy Điển tuy vẫn được ham chuộng nhưng chững lại vì không đổi mới. Phần nhiều vẫn là truyện thần tiên, hoặc truyện ước lệ đề cao lý tưởng các tầng lớp thượng lưu tư sản, thiếu phản ánh hiện thực xã hội. Dĩ nhiên cũng có những ngoại lệ xuất sắc.