Siêu phẩm 737 MAX 10
Tại triển lãm, Boeing đã giới thiệu mẫu máy bay 737 MaX 10 để cạnh tranh với đối thủ Airbus, "thành viên mới nhất trong gia đình 737". Đây là loại máy bay lớn nhất trong dòng máy bay 737 của Boeing, có thể chở tới 230 hành khách.
Với những cải tiến về động cơ và khí động lực, 737 MAX 10 hứa hẹn sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng cho các hãng hàng không.
Một chiếc 737 MaX thuộc sở hữu của hãng Norwegian Air. (Nguồn: USA Today) |
Boeing khẳng định chi phí vận hành 737 MAX 10 sẽ ít hơn 5% so với "đối thủ" A320neo của Airbus. Chính vì vậy, Boeing đã nhận được gần 60 đơn đặt hàng cho "đứa con" mới chào đời này.
Theo Chủ tịch hãng hàng không giá rẻ SpiceJet (Ấn Độ) Ajay Singh, rất nhiều sân bay trên thế giới đang rơi vào tình trạng quá tải nên 737 MAX 10 sẽ là loại máy bay hoàn hảo. SpiceJet đã ký hợp đồng mua 40 máy bay 737 MAX 10.
Tuy vậy, Giám đốc Kinh doanh - Khách hàng của Airbus, John Leahy, tỏ ra không mấy lo ngại về thách thức từ Boeing. Ông cho rằng phần lớn những người quan tâm tới máy bay 737 MAX 10 là khách hàng cũ của Boeing và họ chỉ chuyển đổi từ đơn hàng cũ sang đơn hàng mới.
Trước đó, Airbus đã nhanh chân hơn trong việc nâng cấp loại máy bay được sử dụng nhiều nhất cho các tuyến bay tầm trung và hiện đang chiếm giữ 60% thị phần.
Triển vọng "sáng" của ngành hàng không
Đầu tháng này Airbus dự đoán thị trường máy bay dân dụng cỡ lớn của thế giới sẽ tăng hơn gấp đôi trong 20 năm tới nhờ sự tăng trưởng của các thị trường châu Á. Cũng theo Airbus, thế giới sẽ cần 35.000 máy bay mới với tổng trị giá 5.300 tỷ USD trong hai thập niên tới, tăng so với ước tính của năm 2016.
Một chiếc A350-1000 của Airbus tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris 2017. (Nguồn: NCBC) |
Nhu cầu của các hãng hàng không đối với các mẫu máy bay trong dòng Airbus A320 mang lại lợi thế cho Airbus trước Boeing. Dù vậy, cuộc đua “song mã” Boeing - Airbus không phải là không có đối thủ thách thức khi Nga và Trung Quốc đều đang thử nghiệm các mẫu máy bay tầm trung tự sản xuất.
Boeing dự đoán sẽ có 41.030 máy bay được bàn giao trong 20 năm tới (tăng so với con số dự đoán 39.620 máy bay được công bố cách đây một năm), đạt giá trị trên 6.000 tỷ USD.
Công ty đào tạo phi công CAE Inc. của Canada cũng vừa công bố báo cáo dự đoán tới năm 2027 lĩnh vực hàng không thương mại toàn cầu sẽ cần thêm 255.000 phi công để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của ngành.
Airbus và Boeing hiện đang chi phối ngành công nghiệp hàng không dân dụng thế giới, nhưng họ không phải là không có đối thủ cạnh tranh. Nga và Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các mẫu máy bay mới tầm trung. Tại Triển lãm Hàng không Paris năm nay Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã trình làng máy bay chiến đấu tàng hình đa chức năng thế hệ thứ tư của Trung Quốc J-31 (tên tiếng Anh là Shenyang J-31).
Triển lãm trên đã diễn ra quá sớm nên các mẫu MC-21 của nhà sản xuất Irkut (Nga) và C919 của nhà sản xuất Comac (Trung Quốc) không được đưa đến trưng bày, nhưng cả hai hãng trên hy vọng sẽ giành một phần lớn của "miếng bánh" vận tải hàng không béo bở này trong tương lai.
Dự báo "thời kỳ hoàng kim"
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng nâng mức dự báo lợi nhuận của ngành hàng không thế giới trong năm 2017 trước những kỳ vọng về việc kinh tế toàn cầu tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại của người dân.
Tại cuộc họp thường niên mới diễn ra trong hai ngày 5-6/6 ở Cancun của Mexico, IATA dự báo doanh thu của ngành hàng không thế giới năm 2017 sẽ đạt 743 tỷ USD, cao hơn dự báo trước đó là 736 tỷ USD. Trong khi lợi nhuận sau thuế của ngành vận tải này ước tính sẽ vào khoảng 31,4 tỷ USD trong năm nay.
Dự báo của IATA nêu bật một “thời kỳ hoàng kim” cho ngành hàng không thế giới, mặc dù các hãng vận tải đang phải đối mặt với những khó khăn như chi phí tăng cao, các vấn đề an ninh và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng lên cao tại một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Vương quốc Anh.
Các hãng hàng không của Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách dự báo của IATA với lợi nhuận ước khoảng 15,4 tỷ USD trong năm nay. Lợi nhuận của ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu dự báo cùng đạt 7,4 tỷ USD, trong khi con số này của khu vực Trung Đông sẽ là 400 triệu USD. Tuy nhiên, các hãng vận tải đường không của châu Phi có thể sẽ phải đối mặt với mức lỗ ước tính 100 triệu USD.
Một chiếc F-35A của Lockheed Martin tại Triển lãm. (Nguồn: NCBC) |
Về vấn đề phát thải của ngành hàng không, Tổng Giám đốc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ông Olumuyiwa Benard Aliu, đã hối thúc các nhà lãnh đạo trong ngành tuân thủ Kế hoạch cắt giảm phát thải khí có carbon trong lĩnh vực hàng không quốc tế (CORSIA), bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. IATA đã cam kết sẽ cùng các thành viên đoàn kết trong việc thực hiện CORSIA và đảm bảo mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Bên cạnh việc ngành hàng không dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hướng tới năm thứ tám liên tiếp đạt lợi nhuận, hoạt động du lịch trên thế giới cũng được dự báo sẽ giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2017 - Năm phát triển Du lịch bền vững do Liên hợp quốc (LHQ) chọn lựa.
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ông Taleb Rifai, nhận định rằng mặc dù gặp phải rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, ngành du lịch thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi tốt trong những năm gần đây. Hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn cầu.
Trong năm 2017, UNWTO dự báo lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 3-4%, với mức tăng tại châu Âu được dự đoán là 2-3%, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi ước tăng 5-6%, châu Mỹ tăng 4-5% và khu vực Trung Đông tăng 2-5% do tình hình bất ổn ngày càng gia tăng tại khu vực.