Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên. |
Thực trạng sử dụng ma túy ở các quốc gia diễn biến phức tạp
Theo thống kê của UNODC thì thế giới hiện nay có khoảng 275 triệu người nghiện, sử dụng ma túy trong đó 164 triệu người sử dụng cần sa, 37 triệu người nghiện và sử dụng ma túy tổng hợp; 18 triệu người nghiện và sử dụng heroin; 17 triệu người nghiện ma sử dụng cocain, số còn lại nghiện và sử dụng các loại ma túy khác.
Ước tính của cơ quan phòng chống kiểm soát ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) cho thấy, lượng ma túy sản xuất ra hàng năm ước chừng 3.000 tấn ma túy các loại; các loại ma túy chủ yếu được sản xuất ra hiện nay là heroin, cocain, cần sa và ma túy tổng hợp các loại.
Theo báo cáo tình hình ma tuý thế giới, từ năm 2010 đến 2019, số lượng người sử dụng ma túy trên thế giới trong độ tuổi từ 15-64 vẫn không ngừng tăng lên qua các năm và chưa có dấu hiệu giảm. Trong 5 năm từ 2010-2015, số lượng người sử dụng ma tuý đã tăng từ 226 triệu lên 255 triệu, tăng 29 triệu người (gần 13%).
Thực trạng ma túy và sử dụng ma túy đang diễn biến phức tạp. Việc buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên. Đến thời điểm này, cả thế giới chưa tìm được phác đồ điều trị cai nghiện ngoài vấn đề trị liệu tâm lý về giáo dục thay đổi hành vi.
Tại Việt Nam, số lượng người nghiện ma túy tại nhiều tỉnh, thành đang có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2019, cả nước có 246.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 21.810 người so với năm 2018. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện.
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB và XH) tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy/nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Cụ thể, trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) khoảng 50% trong số đó là trẻ em (dưới 16 tuổi).
Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên. |
Tỷ lệ lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên tại Việt nam đáng báo động
Tại Việt Nam chưa có thống kê toàn quốc về người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội học năm 2017 tại 6 tỉnh, thành phố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là 0,66% (khoảng 600/100.000) dân số trong độ tuổi điều tra từ 15 - 64 tuổi; 8% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Kết quả được điều tra tại 6 tỉnh, thành phố không phải là con số đại diện cho cả nước nhưng kết quả này cũng phản ánh tương đối chính xác tình hình của cả nước hiện nay.
Tình trạng sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên trên cả nước đang ở mức báo động, bởi tâm lý ham vui tụ tập bạn bè, sinh nhật của giới trẻ được bạn bè rủ rê, lôi kéo. Có trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa nhà, phải tự chăm lo cuộc sống nên nảy sinh chơi bời, đi theo bạn sa ngã vào con đường nghiện ngập ma túy.
Cụ thể, việc sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ đang có dấu hiệu gia tăng. Tại các quán hát, quán bar, nhà nghỉ… thường là các tụ điểm phổ biến để các đối tượng tập trung, lôi kéo nhau sử dụng ma túy. Điều đáng nói, các loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều hình dạng khác nhau, kích thước nhỏ, giống hình viên thuốc, hạt muối… nên rất dễ tiêu thụ, vận chuyển và sử dụng.
Ma túy tổng hợp dạng viên, ma túy đá, khi đi vào cơ thể con người lại gây ra hệ lụy rất lớn, tác động đến ảo giác, thần kinh của người sử dụng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn của xã hội. Trước tình trạng ma tuý len lỏi trong giới trẻ có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, lực lượng Công an vẫn cần phải quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Tuy nhiên để ngăn chặn và đẩy lùi ma túy xâm nhập vào giới trẻ thì rất cần có sự quản lý, giáo dục từ chính mỗi gia đình và sự quan tâm phối hợp, chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, tạo cho thanh, thiếu niên có một môi trường sống lành mạnh và an toàn.
Việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác phòng, chống ma túy nói riêng, của toàn xã hội nói chung.
Trong thời gian qua, mặc dù việc giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác luôn được coi trọng, các cơ quan chức năng, nhiều kênh tuyên truyền đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ.
Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội.
Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Viện nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy PSD được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phối hợp triển khai 9 nhiệm vụ nổi bật, cụ thể như: Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh, sinh viên”. Xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước thảm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa.
Kế hoạch này với những quy định rất chi tiết, cụ thể từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể…, chắc chắc sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp tấn công trực diện vào tệ nạn ma túy khi nó xâm nhập vào học đường. Thế hệ trẻ là tương lai đất nước, vì vậy, bảo vệ các em trước tệ nạn ma túy học đường đã và đang là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục va Đào tạo và của toàn xã hội.