Bốn người đẹp trên sân khấu ghi hình. (Nguồn: BTC) |
Cột cờ thiêng liêng
Thí sinh Phan Thị Hồng Phúc đã nhận nhiệm vụ đặc biệt là tôn tạo cảnh quan cột cờ biểu tượng của huyện đảo Lý Sơn. Hồng Phúc thể hiện sự nuối tiếc khi nhiều người chưa có cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa tôn nghiêm của cột cờ và hiện tượng khách du lịch leo trèo lên cột cờ vẫn còn xảy ra. Cô chia sẻ: ”Cột cờ ấy như linh hồn của một người lính, lúc nào cũng đứng ở đó hướng về biển đảo. Và chúng ta phải hành động để càng có nhiều người biết về hình ảnh đẹp này”.
Phan Thị Hồng Phúc tại Doanh trại Đại đội Bộ binh 1. (Nguồn BTC) |
Hồng Phúc khởi đầu dự án tại Doanh trại Đại đội Bộ binh 1, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn nằm trên ngọn đồi cách đỉnh Thới Lới khoảng 500m. Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án nhân ái, cô có dịp tham quan và tìm hiểu cuộc sống của chiến sĩ tại đây. Các chiến sĩ không giấu vẻ bất ngờ và ngạc nhiên khi chứng kiến “bóng hồng” xuất hiện giữa doanh trại. Cùng với sự giúp sức của họ, người đẹp tiến hành thu dọn vệ sinh, lắp đặt thiết bị kéo cờ, tôn tạo cảnh quang và đặc biệt nhất là thay một lá cờ mới.
Trước sự chứng kiến của nhiều người dân địa phương, Hồng Phúc khoác lên mình bộ quân phục và tham gia buổi lễ kéo cờ như một người lính biển đảo. Giây phút lá cờ tung bay trước gió, trên nền trời biển Lý Sơn, người xem không khỏi tự hào và cảm ơn hành động nhỏ nhưng truyền cảm hứng lớn cô gái bé nhỏ.
Thùng rác yêu thương
Bắt đầu hành trình nhân ái của mình, thí sinh Lý Trần Ngọc Trân khoác lên mình một bộ trang phục giản dị. Cô đi dọc những bờ đá trải dài dọc theo biển Lý Sơn đang trở nên "xấu xí” mỗi ngày bởi trình trạng ô nhiễm do rác thải, rác sinh hoạt, rác ngư dân trôi dạt tấp vào bờ. Thậm chí, khu vực chùa Hang, điểm du lịch nổi tiếng của huyện đảo Lý Sơn cũng không thể tránh khỏi trình trạng khách du lịch xả rác bừa bãi.
Lý Trần Ngọc Trân trồng những cây bàng vuông trên hòn đảo. (Nguồn: BTC) |
Người đẹp nhận ra vấn đề ở đây chính là do thiếu nơi đổ rác, cũng như có rất ít thùng rác được đặt trên con đường huyết mạch của huyện đảo Lý Sơn. Vì vậy, cô và đoàn tình nguyện viên khởi đầu chuyến hành trình thu gom rác của mình bằng chân trần leo lên những mỏm đá cao và lội nước.
Đặc biệt, hơn 100 chiếc thùng rác do cô hướng dẫn dân địa phương tự trang trí được đặt dọc theo đường bờ biển của huyện đảo Lý Sơn. Và Ngọc Trân cũng đã trồng những cây bàng vuông trên hòn đảo này với hy vọng "lần sau quay lại sẽ có một điều gì đó mới mẻ hơn để chờ đợi".
Sân trường của em
Dự án mang tên “Sân trường của em” thoạt đầu nghe có vẻ dễ dàng, nhưng mang đến cho thí sinh Trần Thị Thủy không ít những thử thách. Cô thực hiện công việc lắp đặt khu vui chơi trẻ em tại sân trường tiểu học An Vĩnh 2, thôn Tây, xã An Vĩnh.
Ghé thăm trường tại ngôi trường vào một buổi sáng, “cô giáo” Trần Thị Thủy tự tin giao lưu và trò chuyện cùng các em học sinh. Người đẹp không giấu đi nỗi lo và sự bồi hồi vì các em học sinh thường tham gia những trò chơi không an toàn như trèo cây, leo bờ tường trong giờ ra chơi.
Trần Thị Thủy vui đùa cùng các em học sinh. (Nguồn: BTC) |
Việc lắp đặt những mô hình trò chơi do nhà tài trợ cung cấp trở nên khá dễ dàng đối với Trần Thị Thủy. Hơn thế nữa, người đẹp sinh năm 1994 đặt ra mục tiêu sắp xếp các khu vui chơi tạo nên sự liên hoàn, nhấn mạnh tính đoàn kết cho các em nhỏ. Với dụng ý đó, buổi ra mắt khu vui chơi còn đồng thời trở thành một cuộc thi hoạt động thể chất hào hứng cho các em. Cô hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui của các em học sinh nhận được những món quà này.
Thắp sáng đường quê
Đối với Hoa khôi Ngoại thương Huỳnh Thị Thùy Dung, “Người đẹp Nhân ái” là một hành trình cho đi những hành động ý nghĩa và nhận lại những thành quả thiết thực. Dự án mang cái tên vô cùng gần gũi “Thắp sáng đường quê” do Thùy Dung thực hiện tại con đường xóm Cồn thuộc huyện đảo Lý Sơn.
Hoàng Thị Thùy Dung cùng em nhỏ tại xóm Cồn. (Nguồn: BTC) |
Thùy Dung đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt và làm việc thiếu thốn ánh sáng của người dân huyện đảo Lý Sơn. Những ngư dân thường đi ra khơi vào sáng sớm và trở về khi trời đã sập tối mờ mịt. Đường đi nhiều đất đá và ánh sáng đèn pin yếu ớt đôi lúc khiến họ bị trợt ngã vào bờ đá. Bóng tối còn hạn chế sự phát triển của trẻ em nơi đây khi không có không gian chơi đùa an toàn.
Câu chuyện về bóng tối đã giúp Thùy Dung hiểu thêm về ý nghĩa của dự án đối với người dân tại nơi đây. Cô bắt tay vào thực hiện việc kéo điện và lắp đặt đèn cho gần 2km đường bộ, phục vụ cho hơn 200 hộ dân. Con đường tràn ngập ánh sáng giúp người dân làm việc hiệu quả, trẻ em được vui chơi an toàn.