Từ khi lên nắm quyền năm 2013, đây không phải lần đầu ông Nicolas Maduro đối mặt với tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, vị Tổng thống của đất nước Mỹ Latinh này lại đang lệ thuộc vào những biện pháp mang tính trấn áp, thay vì thúc đẩy các chương trình xã hội được người dân ủng hộ để giành lại quyền kiểm soát.
Động thái thổi bùng mâu thuẫn
Cuộc đối đầu mới nhất trên chính trường Venezuela liên quan đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày được Tổng thống Maduro ban bố và có hiệu lực từ 16/5, qua đó trao cho quân đội và cảnh sát nhiều quyền lực hơn trong việc đối phó cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế đang xấu đi từng ngày.
Tuy nhiên, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát hôm 17/5 đã bỏ phiếu bác bỏ sắc lệnh trên vì cho rằng nó chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Đáp lại, ông Maduro tuyên bố sẽ không tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu, đồng thời khẳng định sắc lệnh là cần thiết để đối phó với những mối đe dọa giữa lúc đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc.
Phe đối lập biểu tình yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Trong bước đi gây nhiều lo ngại, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles thúc giục người dân phớt lờ “sắc lệnh vi hiến” của ông Maduro và xuống đường trong ngày 18/5. Theo Cơ quan Giám sát Xung đột xã hội Venezuela, các cuộc biểu tình liên tục nổ ra trong những ngày gần đây với khoảng 17 cuộc mỗi ngày.
Giới quan sát cho rằng tình hình Venezuela có thể thêm phức tạp khi thủ lĩnh phe đối lập tuyên bố đã đến lúc quân đội phải lựa chọn đứng về phía hiến pháp hay ông Maduro. Tuy nhiên, ông Capriles cho biết phe đối lập không kêu gọi đảo chính quân sự mà chỉ muốn tìm cách lật đổ ông Marudo bằng con đường hợp pháp và hiến pháp.
Hiện nay, phe đối lập đang tập trung thúc đẩy cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro. Đầu tháng này, họ đã trình kiến nghị có 1,85 triệu chữ ký của cử tri lên Ủy ban Bầu cử quốc gia (CNE) - bước đầu tiên trong quá trình kêu gọi cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, ông Maduro hôm 17/5 nói phe đối lập không đáp ứng thời hạn chót đề ra cho việc tiến hành trưng cầu ý dân, đồng thời cáo buộc họ giả mạo chữ ký.
Theo quy định, nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước ngày 10/1/2017 và ông Maduro thất bại, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức. Còn nếu sau ngày 10/1/2017, Phó Tổng thống đương nhiệm Aristobulo Isturiz sẽ thay ông Maduro giữ chức đến hết nhiệm kỳ vào năm 2019. Phe đối lập dĩ nhiên không muốn kịch bản thứ hai, bởi ông Isturiz là một đồng minh thân cận của ông Maduro, song thời gian lại đang là thứ xa xỉ đối với họ. CNE đến giờ vẫn đang xem xét tính hợp lệ của kiến nghị - một động thái bị chỉ trích là “câu giờ”.
Mối đe dọa lớn nhất
Bối cảnh hiện nay ở Venezuela khiến giới phân tích có chung nhận định rằng, ngay cả khi trưng cầu ý dân không diễn ra, Tổng thống Maduro cũng không dễ thở hơn. Bởi lẽ, sự giận dữ của người dân xem ra mới là mối đe dọa lớn nhất đối với chiếc ghế của nhà lãnh đạo 53 tuổi này. Phần lớn người dân Venezuela đang chật vật bởi tác động của siêu lạm phát, tình trạng thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, điện... trong lúc nạn tội phạm, tham nhũng tràn lan.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 70% người dân muốn đất nước có chính phủ mới. Vì thế, các cuộc biểu tình diễn ra khắp Venezuela gần đây không chỉ là phép thử đối với sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà còn là thước đo cho sự kiên nhẫn của người dân đối với ông Maduro.
Tổng thống Maduro vẫn kiên quyết cho rằng Venezuela sẽ không trở thành quân cờ domino tiếp theo của các đảng cánh tả tại Mỹ Latinh. Trong nỗ lực cứu vãn uy tín, ông Maduro khẳng định bản thân ông và chính phủ đang là nạn nhân của “một cuộc tấn công chính trị, ngoại giao và truyền thông”. Ông đặc biệt tố cáo Mỹ âm mưu kích động đảo chính tại Venezuela để buộc ông từ chức. Để đối phó với các nguy cơ từ nước ngoài, ông Maduro đã cho quân đội tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử vào ngày 21/5.
Về phần mình, Mỹ cho tới nay vẫn giữ im lặng về những cáo buộc mà Tổng thống Maduro đưa ra. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ủng hộ nỗ lực xúc tiến hòa giải được các nước Mỹ Latinh hậu thuẫn. Ba nhà trung gian – gồm các cựu lãnh đạo của Tây Ban Nha, Panama và Dominica, đã có mặt ở Caracas để tìm cách tổ chức một cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập Venezuela nhằm xoa dịu căng thẳng chính trị.
Tuy nhiên, người dẫn đầu tiến trình hòa giải, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Zapatero cho rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc là điều hết sức “khó khăn” và chưa chắc đã thành công. Bên cạnh đó, vấn đề của Venezuela phải do chính người dân Venezuela giải quyết, phù hợp với hiến pháp và tôn trọng các cam kết quốc tế đối với việc bảo vệ nhân quyền và tự do cá nhân.
Trên thực tế, trong lúc cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn, sự chịu đựng của người dân Venezuela cũng chỉ có hạn. Một khi dân chúng trở nên tuyệt vọng và phẫn nộ, đồng thời giới lãnh đạo vẫn chưa thể giải quyết bất đồng, Venezuela nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn với những diễn biến khó lường.