Nhỏ Bình thường Lớn

Vị Đại biện nổi nhất mạng xã hội Nhật Bản

Với hơn 41.700 người theo dõi trên Twitter, Teimuraz Lezhava - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Georgia tại Nhật Bản đã khéo léo sử dụng kỹ năng tiếng Nhật để thực hiện một chiến dịch PR cho đất nước mình.
Nhà ngoại giao Gruzia và câu chuyện tình yêu với Nhật Bản
Cụ Tetsuji Kadotani (ngoài cùng bên trái), bác sĩ sản khoa ở thành phố Hiroshima và vợ Yasue (ngoài cùng bên phải) cùng Đại biện Teimuraz Lezhava và gia đình vào tháng 10/1993. (Ảnh: Chugoku Shimbun)

“Chàng trai Hiroshima”

Đến Hiroshima từ năm 4 tuổi, nhà ngoại giao Teimuraz Lezhava đã sống ở Nhật Bản khoảng 20 năm.

Ông sử dụng thành thạo tiếng Nhật và thường có các bài đăng hài hước trên Twitter, bao gồm cả những câu trích dẫn từ phong cách kể chuyện rakugo truyền thống, đã gây được tiếng vang lớn với người dân Nhật Bản.

Điều này khiến ông Lezhava trở thành người đứng đầu Cơ quan đại diện nước ngoài tại Nhật Bản có nhiều người theo dõi nhất trên Twitter.

Kể từ khi đảm nhận vị trí Đại biện lâm thời ở Nhật Bản vào tháng 8/2019, nhà ngoại giao Lezhava đã tích cực viết về Georgia trên Twitter để quảng bá cho đất nước.

Tháng 12/2019, sau khi đăng tải bức ảnh ông và đồng nghiệp thưởng thức món cơm thịt bò gyudon – có người khẳng định món ăn này được lấy cảm hứng từ món shkmeruli của Georgia. Nhờ thế, ông càng thêm nổi tiếng.

Là người hâm mộ của đội bóng chày Hiroshima Carp và đội bóng đá Sanfrecce Hiroshima, nhà ngoại giao 32 tuổi này tự hào coi mình là một “Hiroshiman” (người Hiroshima).

Ông đã sống ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng "Hiroshima là nơi tôi cảm thấy như ở nhà”.

Đối với Lezhava, việc bản thân đến được xứ sở hoa anh đào là “một sự may mắn, gần như là một phép màu”.

Năm 1992, ông Lezhava cùng gia đình đến Nhật Bản và sinh sống ở Hiroshima. Cha ông - Alexander Lezhava - bắt đầu theo học tại Đại học Hiroshima.

Lezhava đã trải qua thời thơ ấu ở đó đến năm 8 tuổi.

Khi đó, bất chấp sự hỗn loạn đang diễn ra ở Georgia, một người Nhật đã giúp cha ông sang Nhật Bản học tập. Đó là cụ Kadotani Tetsuji - người từng điều hành một phòng khám sản ở thành phố Hiroshima, năm nay đã 88 tuổi.

Cho đến nay, ông Lezhava vẫn coi cụ Kadotani là “ân nhân của gia đình” khi giúp cha ông đến Nhật, cũng như giúp ông hòa nhập hơn với đất nước mặt trời mọc.

Nhà ngoại giao Gruzia và câu chuyện tình yêu với Nhật Bản
Nhà ngoại giao trẻ tuổi người Georgia Teimuraz Lezhava có thể sử dụng thành thạo tiếng Nhật và có hơn 41.700 người theo dõi trên Twitter. (Ảnh chụp màn hình)

Giống như ông Alexander, cụ Kadotani cũng nghiên cứu về di truyền học. Năm 1978, khi tham dự hội nghị khoa học ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga), cụ đã kết bạn với ông nội của Lezhava, người lúc đó đang là Giáo sư tại một trường đại học ở thủ đô Tbilisi.

Khi cụ Kadotani được mời đến giảng dạy tại Đại học Tbilisi vào năm 1984, vị giáo sư này đã mời cụ đến nhà và nhờ cụ giúp sắp xếp chương trình trao đổi cho con trai ông, cha của Lezhava.

Cụ Kadotani rất muốn giúp đỡ ông Alexander, nhưng khi quay trở lại Nhật Bản, cụ rất kinh ngạc nhận ra rằng, Nhật Bản chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Georgia.

Do đó, cụ không thể gọi điện thoại hoặc gửi thư cho người dân nước này, cũng như không thể thực hiện bất kỳ thủ tục nào cho chương trình trao đổi của cha Lezhava.

Một loạt sự kiện tình cờ sau đó đã khiến cụ Kadotani có cơ hội ngồi cạnh một giáo sư tại Đại học Hiroshima, người đang trên đường đến đến thủ đô Tbilisi.

Chớp lấy cơ hội, cụ Kadotani giải thích tình hình, gửi cho vị giáo sư đó thông tin liên lạc và xin đến thăm ông nội của Lezhava. Điều này đã giúp cha của Lezhava có cơ hội được học tại Đại học Hiroshima, sau khi tốt nghiệp đại học ở Tbilisi.

Mối lương duyên với Nhật Bản

Ngay sau khi chuyển đến Nhật Bản, gia đình Lezhava hầu như không nói được tiếng Nhật. Mọi thứ đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cụ Kadotani và phu nhân Yasue, năm nay cũng đã 88 tuổi.

Đôi vợ chồng người Nhật nkhông chỉ thường xuyên dùng bữa cùng gia đình đến từ Georgia này, mà còn đỡ đẻ cho em trai của Lezhava tại phòng khám sản của họ.

Trong ký ức của ông Lezhava, “vợ chồng cụ Kadotani thậm chí còn mua cho chúng tôi cặp sách, thứ khá đắt đỏ với chúng tôi. Họ đã giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn những gì mà chúng tôi có thể hy vọng”.

Sau đó, ông Lezhava chuyển đến thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki của Nhật Bản và bang Ohio của Mỹ, trước khi tốt nghiệp Đại học Waseda ở Tokyo.

Sau thời gian làm việc cho công ty thực phẩm Nhật Bản Kikkoman, ông trở về ở Georgia vào năm 2015. Trước khi rời Hiroshima, ông đã đến thăm cụ Kadotani và được nghe kể về câu chuyện cụ đã sống sót như thế nào khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Câu chuyện này đã khiến nhà ngoại giao Lezhava liên tưởng thảm kịch của Hiroshima với Georgia, đất nước có lịch sử đầy xung đột và từng nhiều lần bị các dân tộc khác cai trị.

Ông Lezhava tin tưởng mạnh mẽ rằng, trong thời bình, mọi người phải làm việc chăm chỉ, rất nỗ lực để đảm bảo hòa bình bền vững.

Nhà ngoại giao này cho biết, ông muốn tham dự lễ tưởng niệm hòa bình năm nay với tư cách là đại diện của Georgia và thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Ông muốn bày tỏ lòng lòng tôn kính với nơi này, cũng như gặp lại gia đình cụ Kadotani.

“Từ khi trở thành Đại biện lâm thời, tôi chưa có cơ hội gặp trực tiếp cụ Kadotani. Cụ giống như người ông nội Nhật Bản của tôi” và mong muốn của ông là “gặp và giới thiệu vợ con mình với cụ”.

TIN LIÊN QUAN
Thượng đỉnh Nhật-Mỹ: Phép thử dành cho Thủ tướng Suga Yoshihide
Infographic: 75 năm ngày thảm hoạ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nỗi đau hạt nhân vẫn hiện hữu
Cuộc chiến gìn giữ ký ức về Hiroshima và Nagasaki: Lời kể của một nhân chứng sống
75 năm sau thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản: Ước mơ về thế giới phi hạt nhân vẫn xa vời
Bao giờ thế giới không vũ khí hạt nhân?

(theo Japan Times)