Ngày 3/1, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, 78 tuổi, đã mời các cháu nội, ngoại của bà, cùng toàn bộ trẻ em có mặt trong khán phòng lên bục phát biểu khi bà đang tuyên thệ cho chức vụ mới. Hàng chục vị khách “nhí” là con, cháu của các nhà lập pháp đã tiến lên phía bục phát biểu.
“Tôi kêu gọi Hạ viện hãy đưa ra quyết định vì (tương lai) của trẻ em trên toàn nước Mỹ. Tiến lên, các cháu!”, chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ phát biểu trước các chính trị gia.
Nhà lập pháp đảng Cộng hòa Don Young của Alaska, Hạ nghị sĩ kỳ cựu nhất thời điểm hiện tại, là người chủ trì lễ tuyên thệ của bà Pelosi.
Tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các khách mời "nhí" . (Nguồn: Reuters) |
Theo giới quan sát, bà Pelosi đã trở thành người đứng đầu của một hạ viện có tính đa dạng nhất nhì trong lịch sử Mỹ sau khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Buổi tuyên thệ của bà diễn ra khi Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa một phần do bất đồng quan điểm giữa 2 chính đảng về vấn đề bức tường biên giới.
Tân Chủ tịch Hạ viện tuyên bố bà muốn Chính phủ mở lại nhưng sẽ không ủng hộ bức tường. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với NBC, bà Pelosi bỏ ngỏ khả năng đảng Dân chủ sẽ luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính trị gia này cho biết đảng của bà sẽ chờ kết quả điều tra từ Công tố viên đặc biệt Robert Muller.
“Tôi tự hào trở thành nữ Chủ tịch Hạ viện, vào thời điểm đánh dấu 100 năm kể từ khi phụ nữ Mỹ được quyền bỏ phiếu”, bà nói, nhấn mạnh rằng năm nay Hạ viện Mỹ có hơn 100 nhà lập pháp nữ, con số lớn chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Theo BBC, ngoài 102 phụ nữ, Hạ viện Mỹ năm nay còn ghi nhận con số kỷ lục 43 phụ nữ da màu. Năm nay, cơ quan lập pháp Mỹ cũng đón nhận những gương mặt mới như nữ nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên hay nữ nghị sĩ gốc Mỹ bản địa đầu tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện cũng như mời các vị khách “nhí” lên bục phát biểu. Hồi năm 2007, bà cũng từng có hành động tương tự khi nhậm chức Chủ tịch Hạ viện.