Ông đánh giá như thế nào về cuộc trao trả ngư dân Việt Nam với số lượng lớn nhất từ trước tới nay (228 người) của phía Indonesia vào ngày 14/9 tới?
Đây là cuộc trao trả ngư dân lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện giữa Việt Nam và Indonesia. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên phía Indonesia trao trả ngư dân cho Việt Nam qua đường biển. Có thể nói, việc trao trả lần này thể hiện sự tin cậy giữa hai nước. Cả hai nước đều mong muốn sớm giải quyết vấn đề các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ do đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển của Indonesia trên tinh thần nhân đạo. Và cũng trên tinh thần ấy, hai bên đã cùng thúc đẩy lần trao trả này diễn ra để các ngư dân được trở về quê hương trong thời gian sớm nhất.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pujiastuti. |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Indonesia thực hiện hình thức trao trả ngư dân qua đường biển. Hình thức này có lợi gì hơn so với việc trao trả qua đường hàng không như trước đây, thưa ông?
Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc tiếp nhận trao trả ngư dân qua đường biển với số lượng lớn như vậy. Tôi thấy hình thức này có nhiều cái lợi cho cả hai nước. Đầu tiên, thời gian để các ngư dân Việt Nam được trở về quê hương đã được rút ngắn đáng kể. Vấn đề thủ tục khi trao trả ngư dân với số lượng lớn được giải quyết rất nhanh chóng. Hai nước chỉ cần xác minh đối chiếu danh sách chứ không phải mất thời gian chờ cấp giấy thông hành. Các ngư dân này sẽ được phía Indonesia đưa tới điểm trao trả trên biển và được tàu kiểm ngư Việt Nam đón về nước. Thời gian tổng cộng chỉ kéo dài khoảng 4-5 ngày.
Thứ hai, số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở Indonesia khá lớn. Với số lượng như vậy, có rất nhiều rủi ro không thể lường trước xảy ra với họ khi bị giam giữ. Vì thế, khi giải quyết cho 228 ngư dân được về nước, chúng ta có thể giúp họ tránh được những bất trắc.
Với phía Indonesia, việc trao trả lần này cũng giúp họ giảm tải cho các trại tạm giữ, nhà tù… bởi số lượng ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trái phép mà quốc gia này đang giam giữ là rất lớn.
Đây là đợt trao trả trên biển đầu tiên giữa Việt Nam và Indonesia. Sau lần này, đại diện của hai nước sẽ ngồi lại để đánh giá các ưu, khuyết điểm của hình thức trao trả này. Nếu đạt được kết quả khả quan, hai nước sẽ sớm có những đợt trao trả ngư dân tiếp theo.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn tiễn ngư dân Việt Nam về nước hồi tháng 12/2015. |
Phía Indonesia thông báo còn 312 ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ. Tình trạng của họ hiện tại ra sao? Đại sứ quán đã có những biện pháp bảo hộ như thế nào đối với các ngư dân này, thưa ông?
Trong số 312 ngư dân Việt Nam đang bị Indonesia giam giữ, có những người vừa bị bắt, có người đã được xét xử và kết án tù. Đối với những ngư dân này, Đại sứ quán luôn có những biện pháp bảo hộ để đảm bảo quyền lợi cho họ đúng như theo quy định của Luật pháp quốc tế cũng như Luật pháp của nước sở tại. Chúng tôi luôn cố gắng làm mọi cách để đưa họ về đoàn tụ với gia đình trong thời gian sớm nhất.
Việc đưa 228 ngư dân sắp tới qua cũng phần nào phản ánh những nỗ lực của chúng tôi trong việc sớm đưa các ngư dân Việt Nam về đoàn tụ với gia đình. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, những ngư dân còn đang bị giam giữ ở Indonesia sẽ có thể được trao trả về Việt Nam theo hình thức tương tự trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!