📞

Vì sao NASA hủy tàu thăm dò trị giá 1,1 tỷ USD?

17:02 | 07/07/2016
Tàu thăm dò vũ trụ Juno có chi phí 1.1 tỉ USD đã thâm nhập thành công vào quỹ đạo Mộc tinh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra vào tháng 2/2018 khi nhiệm vụ của con tàu này hoàn thành?

Thông thường, một số tàu thăm dò không người lái sẽ được phép quay trở lại được Trái Đất nếu như một phần nhiệm vụ của nó là mang về các mẫu đất đá thí nghiệm. Tuy nhiên, số phận của tàu Juno thì không được như vậy. Sau khi hoàn thành chuyến đi cuối cùng vòng quanh Mộc tinh, nó sẽ được thả rơi vào bầu khí quyển của Mộc tinh. Khí quyển của hành tinh này khắc nghiệt đến nỗi Juno sẽ bốc cháy ngay lập tức.

Nhưng tại sao NASA lại phá huỷ một con tàu giá trị 1,1 tỉ USD bằng cách cho nó rơi xuống một hành tinh khí nóng khổng lồ?

Các nhà khoa học của NASA cho rằng, nơi tốt nhất để chúng ta tìm được các sinh vật ngoài Trái Đất là ở Europa, một vệ tinh của Sao Mộc có khả năng có biển bên dưới bề mặt băng. NASA đang nỗ lực tìm cách đưa tàu thăm dò xuống bề mặt Europa để quan sát sự sống ở đó. Hai vệ tinh khác của Mộc tinh là Ganymade và Callisto cũng nằm trong danh sách “có thể có sự sống” này.

Tàu thăm dò Juno đang hoạt động bên trên quỹ đạo Mộc tinh. (Nguồn: NASA)

NASA và Phòng Bảo vệ Vũ trụ của Mỹ có luật rất nghiêm về việc gây ô nhiễm vũ trụ, đặc biệt khi điều đó liên quan tới những nơi có thể có sự sống.

Việc thả tàu Juno rơi vào khí quyển Mộc tinh và bốc cháy sẽ ngăn ngừa việc gây ô nhiễm cho hành tinh khổng lồ này, do khí quyển Sao Mộc và phóng xạ sẽ huỷ diệt mọi vi khuẩn có thể đã bám vào con tàu khi nó được phóng lên từ Trái Đất.

Về mặt logic, NASA không muốn chi một tỉ USD cho con tàu tiếp theo chỉ để tìm ra sự sống (dưới dạng vi khuẩn) mà hóa ra lại do chính những con tàu thăm dò từ Trái Đất vô tình mang đến đó.

Các điều luật an toàn vũ trụ này cũng chính là lý do các tàu vũ trụ phải được lắp ráp trong phòng sạch, bởi các nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ.

Cách hy sinh tàu của NASA cũng chính là nhằm hạn chế vấn đề rác thải vũ trụ.

(tổng hợp)