Năm 2014, súng đạn chỉ gây ra 6 ca tử vong ở đất nước Mặt trời mọc, trong khi tại Mỹ vũ khí khiến 33.599 người thiệt mạng.
Điều kiện khắt khe
Nếu muốn mua một khẩu súng tại Nhật Bản, bạn cần có quyết tâm và kiên nhẫn. Trước hết, bạn phải tham gia một lớp học đầy đủ, phải vượt qua kỳ thi lý thuyết và kỳ thi bắn với điểm số đạt trên 95%. Ngoài ra, bạn còn phải kiểm tra sức khỏe, có giấy xác nhận không bị bệnh tâm thần hay sử dụng ma túy.
Bất cứ viên đạn nào bắn đi, vỏ đạn phải nộp lại cho quản lý. (Nguồn: Reuters) |
Các nhà chức trách cùng cảnh sát sẽ xem xét quá trình hình sự và tìm kiếm mối liên hệ có thể có của bạn với các nhóm cực đoan. Sau đó, họ còn điều tra gia đình và cả đồng nghiệp của bạn.
Cảnh sát có quyền từ chối cấp giấy phép các loại vũ khí, đồng thời có quyền tìm kiếm và trưng dụng những vũ khí ấy. Đặc biệt, súng ngắn cầm tay bị nghiêm cấm hoàn toàn ở Nhật Bản và chỉ có súng trường hơi là được phép sử dụng.
Luật pháp nghiêm ngặt
Pháp luật Nhật Bản đặt ra giới hạn về số lượng các cửa hàng vũ khí. Trong số 40 tỉnh của Nhật Bản, chỉ có 3 cửa hàng được bán vũ khí. Bạn chỉ có thể mua được đạn mới nếu trả lại số vỏ đạn đã mua trước đó vì theo luật, bất cứ viên đạn nào bắn đi, vỏ đạn đều phải nộp lại cho các nhà chức trách.
Hàng năm, cảnh sát đều tiến hành kiểm tra định kỳ các đại lý vũ khí. Chủ các cửa hiệu vũ khí phải thông báo cho cảnh sát nơi cất giữ riêng biệt giữa vũ khí và đạn dược. Ngoài ra, sau ba năm khi giấy phép dùng súng hết hạn, người muốn tiếp tục sử dụng, phải vượt qua các đợt kiểm tra thường lệ để được cấp phép trở lại.
Tất cả những điều nêu trên giải thích tại sao việc xả súng hàng loạt tại Nhật là vô cùng hiếm. Các băng nhóm tội phạm của Nhật như Yakuza, đã giảm đáng kể trong 15 năm qua. Và khi có vụ giết người xảy ra thì thường những kẻ tấn công sử dụng dao. Bộ luật kiểm soát súng hiện nay có hiệu lực vào năm 1958 nhưng ý tưởng đằng sau chính sách này có từ hàng thế kỷ trước.
"Ngay cả khi vũ khí bắt đầu nhập vào trong nước, Nhật Bản đã có đạo luật nghiêm ngặt để kiểm soát chúng…Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật kiểm soát súng và tôi nghĩ rằng điều này đã thiết lập một cơ sở chắc chắn là vũ khí không nên đóng vai trò quan trọng trong một xã hội dân sự", ông Ian Overton - Giám đốc điều hành Hành động chống bạo lực, đồng thời là tác giả cuốn sách “Một hành trình đẫm máu vào thế giới của súng”, cho biết.
Năm 2015, cảnh sát Nhật Bản chỉ bắn tổng cộng 6 phát đạn. (Nguồn: Getty Images) |
Tỷ lệ sở hữu vũ khí thấp
Ngay từ năm 1685, các công dân Nhật Bản được khuyến khích trọng thưởng nếu trao lại vũ khí của mình cho Chính phủ. Đây là một chính sách mà ông Overton mô tả "có lẽ là sáng kiến đầu tiên mua lại vũ khí trong lịch sử nhân loại".
Kết quả của tất cả những điều trên tạo nên một tỷ lệ người sở hữu súng rất thấp ở Nhật Bản. Theo Small Arms Survey, một tổ chức độc lập chuyên theo dõi sở hữu loại súng nhỏ trên thế giới thì năm 2007, Nhật Bản chỉ có 0,6 súng/100 dân, trong khi tại Mỹ con số đó là 88,8 súng.
"Từ thời điểm mà bất cứ người nào cũng có thể dùng súng, xã hội sẽ có bạo lực. Vấn đề là ở số lượng. Nếu có rất ít vũ khí, chắc chắn mức độ bạo lực sẽ thấp”, ông Overton nhận xét.
Cảnh sát Nhật Bản cũng hiếm khi sử dụng súng. Thống kê cho thấy trong năm 2015, tổng cộng cảnh sát Nhật Bản chỉ bắn 6 phát đạn và họ chú trọng đến các môn võ thuật hơn cả. Tất cả cảnh sát Nhật đều cố gắng đạt dải băng đen trong môn võ judo và dành nhiều thời gian để luyện tập chiến đấu kendo, một loại kiếm bằng tre.
Súng ngắn bị cấm hoàn toàn, chỉ súng hơi là được phép sử dụng. (Nguồn: Reuters) |
Một điều gần như cấm kỵ ở Nhật Bản liên quan đến việc lạm dụng vũ khí. Nếu một sĩ quan sử dụng súng của mình để tự sát thì sẽ bị luận cấu thành một tội ác trong khi làm nhiệm vụ vì cảnh sát không được mang vũ khí về nhà mà phải để chúng ở công sở khi kết thúc công việc.
Một lần, nhà báo Anh Jake Adelstein tham dự buổi tập bắn ở Nhật Bản. Buổi tập chỉ kết thúc khi tất cả các vỏ đạn được sưu tầm hết. Một vỏ đạn bị lẫn đâu đó trong các vật dụng đã thật sự gây ra mối lo lắng đối với các nhân viên cảnh sát đang có mặt. Và không ai có thể rời khỏi cơ sở cho đến khi họ tìm thấy vỏ đạn đó.
Sự cẩn thận đến từng chi tiết của người Nhật liên quan đến vũ khí bắt nguồn từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Giờ đây, người Nhật Bản đang thật sự hưởng cuộc sống bình yên và họ cảm thấy không cần thiết phải trang bị thêm cho mình bất cứ loại vũ khí nào đó mà có thể phá vỡ nền hòa bình này. Thế chiến thứ Hai thật sự gây ra những vết thương khủng khiếp khiến người dân Nhật không muốn rơi vào nó một lần nữa.
Cảnh sát Nhật Bản hiếm khi sử dụng súng, nhưng rất chú trọng tập các môn võ thuật. (Nguồn: Reuters) |