📞

Vì sao ông Moon Jae-in luôn mong chờ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Chu An 20:30 | 21/08/2020
TGVN. Theo tuyên bố của Nhà Xanh, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Hàn Quốc từ ngày 21-22/8 để thảo luận về hợp tác phòng chống Covid-19, chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình và các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn từ 23-25/12/2019. (Nguồn: AFP)

Ông Dương Khiết Trì là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc thăm Hàn Quốc sau khi nước này bùng phát dịch Covid-19. Đây cũng là chuyến thăm Hàn Quốc sau hai năm của ông Dương Khiết Trì kể từ tháng 7/2018.

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì diễn ra đúng vào thời điểm Hàn Quốc đang có thêm một loạt ca nhiễm Covid-19 mới. Dịch bệnh tại quốc gia này vẫn đang diễn biến phức tạp và không có dấu hiệu chậm lại sau khi ghi nhận 324 ca nhiễm mới vào hôm 20/8.

Bất chấp những căng thẳng với các cường quốc lớn trên thế giới như Ấn Độ, Australia, Mỹ, những tháng gần đây, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul đang dần được cải thiện.

Với nỗ lực đưa thương mại hai chiều trở lại như trước thời điểm dịch Covid-19, mới đây Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả du khách từ Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng là quốc gia đầu tiên được Trung Quốc cấp thị thực kể từ khi nước này đóng cửa biên giới với bên ngoài vào tháng 3/2020 để phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc – Trung Quốc “ấm dần lên” thì quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang có phần nguội lạnh, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do những lo ngại liên quan đến dịch Covid-19.

“Chuyến thăm Nhật Bản đã bị hoãn lại và chưa xác định thời gian cụ thể nhưng chuyến thăm tới Hàn Quốc vẫn được tiếp tục. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang tiến triển tốt hơn so với Nhật Bản”, Giáo sư về Quan hệ quốc tế Cheng Xiaohe tại Đại học Renmin (Bắc Kinh) cho hay.

Ông Cheng Xiaohe nhận định, Seoul và Tokyo dường như có quan điểm trái ngược nhau về tầm quan trọng của việc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài chủ đề hợp tác trong phòng chống Covid-19, giới quan sát cũng cho rằng, một trong những mục tiêu chính trong chuyến thăm lần này của ông Dương Khiết Trì là để thảo luận về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền vào năm 2017, Bắc Kinh và Seoul đã bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Chính phủ Trung Quốc tẩy chay nhiều công ty Hàn Quốc sau khi người tiền nhiệm của ông Moon, bà Park Geun-hye, cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Hàn Quốc. Những biện pháp đáp trả về kinh tế mạnh mẽ diễn ra liên tục trong vòng một năm.

Mặc dù quan hệ hai nước đã phần nào được cải thiện theo thời gian nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc.

“Tổng thống Moon Jae-in cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình nên tới thăm Hàn Quốc trong nhiệm kỳ của mình vì hầu hết các tổng thống tiền nhiệm đều đã cố gắng đạt được điều này”, ông Qi Huaigao, Phó Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) nhận định.

Bên cạnh đó, năm 2019, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Triều Tiên nên Chính phủ Hàn Quốc cũng rất muốn đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm ngay sau đó.

Giáo sư Cheng Xiaohe cho rằng, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trong năm nay thì đây sẽ là một “món quà” đối với Tổng thống Moon Jae-in.

Ông Moon cũng muốn cải thiện hình ảnh của mình sau những bất đồng với Washington về chi phí để quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú ở Hàn Quốc và vụ việc Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong hồi tháng 6/2020.

“Hàn Quốc đã làm xáo trộn quan hệ với các nước đối tác khác. Vì vậy chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cho thấy ông Moon có ít nhất một thành tựu về chính sách đối ngoại”, ông Cheng Xiaohe bình luận.

(theo SCMP)