📞

Vì sao tổ hợp tên lửa LORA của Isreal 'ế ẩm'?

Trường Phan 21:46 | 05/05/2021
Ngành công nghiệp quân sự Israel cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước rất nhiều tổ hợp tên lửa và hệ thống vũ khí, nhưng không phải dự án nào cũng nhận được sự quan tâm như kì vọng. Tổ hợp tên lửa LORA là một ví dụ.

Hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật LORA của Israel phát triển cách đây gần 20 năm vẫn chưa thể phổ biến trên thị trường và hiện chỉ được phục vụ ở quốc gia duy nhất là Azerbaijan với số lượng rất hạn chế.

Tên lửa LORA có thể hoạt động cả trên bộ và trên các boong tàu mặt nước. (Nguồn Top War)

Bức tranh toàn cảnh

Sự phát triển của tổ hợp tấn công tầm xa OTRK LORA đã bắt đầu từ năm 2003. Bước sang giai đoạn 2004-2006, những tên lửa này đã vượt qua các bài khảo nghiệm cả trên đất liền và trên biển.

Sau đó, LORA lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm quân sự-kỹ thuật quốc tế và bắt đầu các chiến dịch quảng bá trên thị trường.

Nhiệm vụ của dự án LORA là tạo ra một tên lửa đạn đạo mới hoàn toàn thay thế các nền tảng phóng tên lửa cũ, đạt được tầm bắn phù hợp với các kế hoạch tác chiến-chiến thuật trong thời đại mới.

Đặc biệt, trong các tình huống yêu cầu độ chính xác cao và khả năng bắn trúng các mục tiêu khác nhau, tính linh hoạt cao trong việc sử dụng do khả năng tương thích với các nền tảng mặt đất và trên biển.

Sự phát triển của hệ thống LORA không dừng lại ở đó khi Israel quan tâm đến việc liên tục cải tiến dự án và thường xuyên tiến hành các thử nghiệm mới. Lần phóng thử nghiệm gần đây nhất là đầu mùa Hè năm ngoái.

Mặc dù mang thiết kế hoàn hảo, hiệu suất cao và khả năng đã được khẳng định qua các buổi thử nghiệm, OTRK LORA đã không thể chiếm được vị trí mong muốn trên thị trường quốc tế.

Kể từ khi ra mắt đến nay, nhà sản xuất chỉ nhận được một hợp đồng nhỏ với số lượng hạn chế từ các đối tác nước ngoài.

Thành công về mặt kỹ thuật

Thành phần chính của tổ hợp LORA là một tên lửa đạn đạo một tầng, sử dụng nguyên liệu rắn tạo lực đẩy. Phiên bản gốc do Lực lượng Phòng vệ Israel sở hữu có tầm bắn lên tới 430km. Tuy nhiên, ở các phiên bản xuất khẩu đã được điều chỉnh hạ xuống còn 300km.

Tên lửa LORA thân hình trụ với phần chóp đầu hình nón và trang bị một bộ bánh lái hình chữ X. Khoang đầu của tên lửa đặt đầu đạn và khoang dụng cụ với thiết bị điều khiển nằm ở phần đuôi. Chiều dài của tên lửa đạt là 5,2m với đường kính vỏ là 625 mm. Trọng lượng khi phóng lên đến 1.600kg.

LORA được trang bị hệ thống dẫn đường với vệ tinh và thiết bị định vị quán tính, cho phép nó tấn công các mục tiêu đứng yên với tọa độ đã xác đinh trước. Tên lửa được chế tạo theo kiểu tên lửa đạn đạo và có khả năng thực hiện nhiều thao tác khác nhau để khởi hành từ một quỹ đạo lập trình sẵn.

Khả năng tự động hóa của LORA duy trì khả năng kiểm soát ở tất cả các giai đoạn trong quá trình phóng cho đến khi đánh trúng mục tiêu. Tùy thuộc vào loại mục tiêu dự định, tên lửa có thể rơi với góc từ 60° đến 90° so với đường chân trời.

Trọng tải của tên lửa LORA đạt 570kg, bao gồm một đầu đạn xuyên thấu và đầu đạn phân mảnh nổ cao monoblock, cũng như các loại bom, đạn con khác nhau được bổ sung tùy theo yêu cầu khách hàng.

Tên lửa được trang bị động cơ đẩy rắn, có nhiệm vụ khởi động và tăng tốc trong giai đoạn hoạt động. Một động cơ như vậy cung cấp đủ năng lượng để phóng đi ở khoảng cách hơn 350-400km và hoạt động ở tốc độ siêu thanh trong quá trình bay.

Hệ thống LORA OTRK cũng tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực, gồm thông tin liên lạc, hệ thống định vị vệ tinh, máy tính tốc độ cao và thiết bị nhập dữ liệu vào thiết bị điện tử của tên lửa.

Khả năng chuẩn bị nhanh nhất kể từ quyết định hạ gục mục tiêu đến kích nổ đầu đạn không quá 10 phút (tùy theo tầm bắn).

Tên lửa LORA có thể được sử dụng trên nhiều loại bệ phóng khác nhau. Một đơn vị gồm bốn container lắp ráp trên trên khung gầm bánh lốp có tải trọng từ 16 tấn trở lên. Trong khi đó, các thiết bị điều khiển được lắp đặt trong buồng lái.

Ngoài khả năng bắn từ mặt đất, chúng còn có thể hoạt động từ boong tàu nổi và có thể đạt được đặc tính chiến đấu cao như trên bộ.

Trong trường hợp này, tất nhiên các kỹ sư sẽ điều chỉnh sửa đổi thiết kế sao cho phù hợp hoạt động trên biển, cũng như các phương tiện điều khiển hỏa lực được tích hợp vào các hệ thống tàu mẹ.

Thất bại trên thương trường

Mặc dù OTRK LORA gia nhập thị trường quốc tế vào năm 2006, nhưng thật không may cho các nhà phát triển, những khách hàng tiềm năng hầu như không quan tâm đến tổ hợp vũ khí này.

Nhà sản xuất đã phải mất nhiều năm sau khi bắt đầu chiến dịch quảng cáo mới có đơn đặt hàng đầu tiên.

Khách hàng ban đầu của LORA OTRK dự kiến là Lực lượng Phòng vệ Israel, nhưng vì một số lý do, nhà sản xuất không quan tâm đến việc phát triển trong nước.

Năm 2018, Azerbaijan chính thức ký hợp đồng mua một lô tổ hợp tên lửa LORA từ Isreal. Và tháng 6 năm đó, nước này ra mắt toàn bộ hạm đội LORA OTRK và tổ chức một cuộc diễu hành quân sự ở Baku.

Đến mùa Thu năm 2020, lần đầu tiên tên lửa LORA nổ súng phá hủy một cây cầu chiến lược quan trọng ở thành phố Shusha trong cuộc giao tranh Azerbaijan- Armenia.

Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều thông tin mới về sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng khi nhắc đến LORA.

Nhà sản xuất vẫn hy vọng vào việc sử dụng thành công tổ hợp LORA trong chiến đấu sẽ thu hút sự chú ý và ảnh hưởng tích cực đến triển vọng thương mại.

Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo trong gần 2 thập niên đã không mang lại nhiều kết quả, và các sự kiện gần đây không đủ để cải thiện tình hình.

Về mặt kỹ thuật, LORA OTRK có thể được coi là một vũ khí hiện đại thành công, tuy nhiên vũ khí này thất bại do thiếu sự đổi mới về ý tưởng các hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật và sự cạnh tranh cao trong lĩnh vực này trên thị trường quốc tế.

(theo Top War)