Sinh ra bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vùng đất "nắng lửa mưa dầu", Võ Nguyên Giáp là người sớm đến với cách mạng. Là một cử nhân Luật, từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản, từng tham gia viết báo cùng những nhà yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi làm tờ báo Tiếng Dân ở Huế, từng là cây bút chiến đấu của các tờ báo công khai của Đảng thời kỳ Mặt trận Bình Dân, Võ Nguyên Giáp tham gia tổ chức tiền thân của Đảng rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ giữa năm 1940. Cho đến ngày 28/5/1948, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng - vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm ấy ông 37 tuổi. Bốn ngôi sao bạc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân trao cho ông năm đó được ông mang trên vai suốt cuộc đời binh nghiệp cho đến tận hôm nay…
Trong suốt cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân cách mạng mà khởi đầu chỉ với 34 chiến sĩ với từ súng trường, chân đất để từng bước lớn lên thành những sư đoàn, quân đoàn thiện chiến giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới tài thao lược của ông, tất cả những đội quân hùng mạnh vào bậc nhất thế giới đã phải chấp nhận thất bại khi đến xâm lược Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý lâu năm nhất của Đại tướng đã viết về ông thế này: "…Một thầy giáo, người làm việc văn mà tiềm ẩn bên trong một tài năng về võ. Bác và Đảng đã tin tưởng giao cho Anh phụ trách quân sự, có nhiệm vụ thành lập ra đội quân chủ lực đầu tiên, xây dựng đội quân ấy nhanh chóng phát triển thành Việt Nam Giải phóng quân - Quân đội quốc gia về sau gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam và ủy quyền làm Tổng chỉ huy, về sau là Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy quân đội ấy đánh giặc, cứu nước. Mặc dầu giao cho anh việc Võ, nhưng Bác vẫn gọi anh là Văn. Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc Võ nhưng phải trên nền Văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh khái quát về anh thật biện chứng, sâu sắc: Văn lo vận nước văn thành Võ; Võ thấu lòng dân võ hóa Văn…
Là một Đại tướng khiêm nhường, chưa một lần nói về mình, nhưng đức độ và tài năng đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người từng là đối thủ. Năm 1992, ông được trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng.
Mới đây, trong lời tựa cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp do Bộ Thông tin & Truyền thông ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: "…Đồng chí Võ Nguyên Giáp - một vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ…", và "…tên tuổi của Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng tên tuổi của các bậc tiền bối, lão thành cách mạng đã trở thành biểu tượng cho cả một thế hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, gây dựng, góp phần làm nên một thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam…".
Còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi xem xong Triển lãm ảnh về Đại tướng đã ghi vào sổ lưu niệm: "Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu! Tên tuổi, công lao của đồng chí mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, của những vị tướng tài ba, lừng lẫy trên thế giới! Tổ quốc, nhân dân và Đảng kính yêu mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí!"
Tướng Peter McDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: "Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có". Trong Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử"...
Có thể nói, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có nhiều sách viết về mình nhất trong lịch sử Việt Nam. Đã có cả trăm cuốn sách của các tác giả trong và ngoài nước viết về ông. Đại tướng là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có tên trong cuốn sách viết về 59 vị nguyên soái huyền thoại trong lịch sử 2.500 năm của thế giới. Còn giới sử học thế giới bình chọn 100 danh tiếng thế giới, đứng đầu là George Washington (Mỹ); Napoleon I (Pháp), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, được xếp thứ 40 trong danh sách, cũng là vị tướng duy nhất còn sống...
...Đó là niềm vinh hạnh lớn cho dân tộc Việt Nam!
Hải Hiền
Vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều ngày 23/8/2011, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến thăm và chúc thọ Đại tướng. Thay mặt Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trân trọng bày tỏ niềm tự hào của toàn thể cán bộ, nhân viên trong Bộ đối với vị Tướng huyền thoại và kính chúc Ðại tướng luôn mạnh khỏe, trường thọ, mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam noi theo. Bộ trưởng Phạm Bình Minh rất vui mừng khi thấy sức khỏe của Đại tướng vẫn ổn định và tỉnh táo. Hàng ngày Đại tướng vẫn nghe các trợ lý điểm tin, điểm báo. Từ 22-8 đến 3-9-2011 tại Nhà Triển lãm, 45 Tràng Tiền - Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Triển lãm giới thiệu cuốn sách Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Với gần 200 bức ảnh chọn lọc, cuốn sách đã phác họa khá đầy đủ và chân thực bức chân dung sống động về cuộc đời và sự nghiệp của vị Đại tướng - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. |