Buổi thông tin chuyên đề có sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu và giảng viên trong lĩnh vực văn hóa, thông tin khoa học và quan hệ quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và doanh nghiệp Ấn Độ (InCham) tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi thông tin chuyên đề “Việt Nam - Ấn Độ: Kết nối qua văn hóa”, ngày 4/8 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. |
Trao đổi tại buổi thông tin chuyên đề, Tiến sĩ Vinay Sahasrabuddhe nhấn mạnh: Ấn Độ là đất nước coi trọng hòa bình, tình hữu nghị, và những tư tưởng mạnh mẽ coi Thế giới là một gia đình, luôn mong cầu Hạnh phúc cho tất cả mọi người. Sức mạnh mềm của Ấn Độ, ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ, luôn chinh phục được trái tim và tâm trí của mọi người. Từ sử thi, Yoga, y học cổ truyền Ấn Độ, đến âm nhạc và vũ điệu sôi động, văn hóa Ấn Độ đã tạo nên những mối liên hệ sâu sắc giữa Ấn Độ với cộng đồng toàn cầu. Đặc trưng văn hóa đã làm cho Ấn Độ trở thành quốc gia thịnh vượng nhờ hòa bình, hòa hợp và sự tôn trọng lẫn nhau.
Theo Tiến sĩ Vinay Sahasrabuddhe, giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ II TCN. Các tuyến thương mại hàng hải đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, gia vị, hàng dệt may, đồng thời là con đường trao đổi tri thức quốc tế. Cũng từ con đường này, ngôn ngữ, nghệ thuật, Phật giáo, triết học từ Ấn Độ đã đến Việt Nam, tạo ra mối tương đồng sâu sắc trong nền tảng tinh thần của người dân ở hai quốc gia.
Trong thời hiện đại, Việt Nam và Ấn Độ cùng nhau đối mặt với những vấn đề của lịch sử. Hai nước cùng chống lại chủ nghĩa thực dân và giành độc lập từ ách đô hộ của nước ngoài. Tình đoàn kết giữa hai quốc gia được Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, cùng nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân nỗ lực vun đắp. Ngày nay, hai nước đã thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và mối liên kết chặt chẽ về văn hóa.
TS. Vinay Sahasrabuddhe (giữa) cùng các đại biểu tại buổi thông tin chuyên đề “Việt Nam-Ấn Độ: Kết nối qua văn hóa”. |
Những người tham gia đặt ra nhiều câu hỏi mang tính gợi mở, như: Làm thế nào để chuyển biến mối liên kết về mặt văn hóa thành tiền đề cho những thành công trong kinh tế, chính trị, thương mại, an ninh, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác? Làm thế nào để nhận diện và tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ?
Những người tham gia cũng thống nhất với ý tưởng rằng, việc tìm hiểu văn hóa Ấn Độ không bao giờ hoàn thành (như tiêu đề một cuốn sách No full stops in India). Cả hai bên rất cần liên tục trao đổi, giao lưu, nghiên cứu chuyên sâu về những giá trị văn hóa cốt lõi Ấn Độ và Việt Nam, dùng triết lý “hài hòa” làm kim chỉ nam cho việc tìm kiếm giải pháp cho những xung đột trên thế giới.
Tiến sĩ Vinay Sahasrabuddhe là một chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ. Ông là thành viên của Rajya Sabha (Thượng viện Ấn Độ), từng giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ về Giáo dục, phụ nữ, trẻ em, thanh niên và thể thao. Ông từng là Phó Chủ tịch Quốc gia của Đảng BJP (là đảng cầm quyền hiện nay tại Ấn Độ) từ tháng 8/2014 đến tháng 9/2020. ICCR, do Chính phủ Ấn Độ thành lập tháng 4/1950, có chức năng thiết lập và củng cố mối quan hệ văn hóa của Ấn Độ với các quốc gia trên toàn cầu, thông qua các chương trình trao đổi văn hóa. |
"Trong những năm qua, thông qua Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật để tăng cường liên kết văn hóa giữa hai nước. Các hoạt động như ngày Yoga quốc tế, lễ Phật đản, ngày hội giao lưu ẩm thực, thời trang, các lớp học Yoga, khiêu vũ, tiếng Hindi, các chương trình bảo tồn, trùng tu di sản, và hàng loạt suất học bổng trao đổi văn hóa do Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ tài trợ là những minh chứng cho thấy Ấn Độ coi trọng và vun đắp cho mối liên kết văn hóa với Việt Nam". (Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Ayra) |