Thông báo về Hiệp định thương mại tự do song phương được đưa ra trong chuyến thăm 2 ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tới Việt Nam từ ngày 29-30/9. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ký kết một hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu, do đó, hai bên cần sớm kết thúc đàm phán, ký và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại song phương, nhằm nắm bắt những cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho hai nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”.
Bài viết về quan hệ Việt Nam-Anh trên Tạp chí The Diplomat. (Nguồn: Twitter) |
Tuyên bố này được cho là nối tiếp sau cuộc điện đàm ngày 13/7 giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Dominic Raab. Tại cuộc điện đàm, hai bên đã đồng ý thúc đẩy một thỏa thuận thương mại song phương.
Theo Tạp chí The Diplomat, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Anh tới Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên của các nhà ngoại giao Anh đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu Brexit.
“Vì không còn tư cách là thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), London đang mong muốn xây dựng các quan hệ đối tác thương mại song phương mới như một phần của việc đổi thương hiệu ‘Nước Anh toàn cầu’ dưới thời Thủ tướng Boris Johnson”, Tạp chí này nhận định.
Việc tăng cường quan hệ Việt Nam-Anh đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Vương quốc Anh gần đây gia tăng sự lo ngại về động thái của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Đáng chú ý, chuyến thăm của Bộ trưởng Dominic Raab diễn ra trong bối cảnh có những gợi ý gần đây cho thấy Hải quân Hoàng gia Anh có thể triển khai hàng không mẫu hạm mới, HMS Queen Elizabeth, đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Việt Nam đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định của khu vực Đông Á”, Bộ trưởng Ngoại giao Anh đăng trên trang Twitter hôm 30/9. “Tôi đã gặp người đồng cấp Phạm Bình Minh ngày hôm nay để tái khẳng định cam kết của Vương quốc Anh cùng hợp tác trong vấn đề an ninh hàng hải và chủ nghĩa đa phương thông qua ASEAN”, ông viết.
Tạp chí The Diplomat cho rằng, Việt Nam cũng có những lý do xác đáng để thúc đẩy các mối liên kết kinh tế đậm nét hơn với Vương quốc Anh – Đối tác chiến lược từ năm 2010. “Dù Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về phòng chống dịch Covid-19 và có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu này. Tháng trước, Hà Nội đã phải hạ bớt mục tiêu tăng trưởng từ 5% theo dự báo hồi tháng Năm xuống còn 2,5%. Một thỏa thuận thương mại tự do với London sẽ tạo thêm động lực giúp Hà Nội sớm phục hồi nền kinh tế” – theo The Diplomat.
Một thỏa thuận như vậy sẽ kết hợp với nỗ lực lớn hơn của Hà Nội nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những năm gần đây, Việt Nam đã ký hơn chục hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định với EU – bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên tham gia tích cực nhất vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia – trước đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận thương mại này được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đàm phán cẩn trọng nhưng sau đó người kế nhiệm ông là Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận ngay trong ngày đầu lên nắm quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh cũng khẳng định sự, ủng hộ của dư luận Việt Nam đối với việc Anh gia nhập CPTPP "là một bước quan trọng đưa quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Anh lên tầm cao mới cũng như thể hiện cam kết và vai trò của Vương quốc Anh trong khu vực” - ông viết trên trang Twitter.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia thành viên của CPTPP còn có Canada, Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.