Đại sứ Lê Đức Lưu (phải) tại Hội thảo “Việt Nam - Bulgaria: Điểm đến của du khách hai nước”, ngày 29/4 tại Thủ đô Sofia. |
Đại sứ trông đợi điều gì ở chuyến thăm Bulgaria sắp tới của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam?
Điều tôi mong đợi nhất, với sự chuẩn bị chu đáo của cả hai bên, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Bulgaria vào đầu tháng 6/2015 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Bulgaria và Việt Nam được xây dựng trong 65 năm qua.
Hai nước có bề dày 65 năm quan hệ ngoại giao, Bulgaria xem Việt Nam là một đối tác quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Vậy tại sao quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn hạn chế (trao đổi thương mại chỉ 70-80 triệu USD/năm)?
Đúng thế, nhìn lại những năm qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng với quan hệ chính trị cũng như tiềm năng và mong muốn của hai bên. Do vậy, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Rosen Plevneliev tại Việt Nam tháng 10/2013, hai nước đã đưa ra "Mô hình hợp tác kinh tế mới" trên cơ sở tận dụng thế mạnh của hai nước, xuất khẩu hàng hóa sơ chế của Việt Nam sang chế biến tại Bulgaria, sau đó xuất khẩu tiếp vào thị trường các nước châu Âu. Đây là một ý tưởng hợp tác rất đáng quan tâm, có tính khả thi và hiệu quả, có thể trở thành mô hình mẫu cho quan hệ hợp tác giữa các nước bạn bè truyền thống, giữa những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Bulgaria.
Ngay sau khi triển khai "Mô hình hợp tác kinh tế mới", kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Bulgaria đã có bước tăng đột biến. Năm 2013, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều là 70 triệu USD nhưng đến cuối năm 2014 con số này là gần 90 triệu USD.
Về đầu tư trực tiếp của Bulgaria vào Việt Nam, hiện có khoảng 11 dự án với tổng số vốn là khoảng 50 triệu USD. Những dự án này đã đạt được kết quả nhất định. Tôi đề nghị hai bên tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, may mặc, công nghiệp hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và năng lượng.
Tôi rất hy vọng sau cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với doanh nghiệp Bulgaria và Việt Nam trong chuyến thăm chính thức lần này, các bộ, ngành và doanh nghiệp của hai nước sẽ tìm ra được các biện pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư...
Hơn hai năm công tác ở Bulgaria, Đại sứ có gợi ý gì cho doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở đất nước đông nam châu Âu này?
Chính phủ Bulgaria đang duy trì và phát triển những yếu tố thuận lợi nhất cho môi trường đầu tư và kinh doanh như ổn định về tài chính và kinh tế vĩ mô; Thuế xuất, thuế thu nhập đối với doanh nghiệp thấp nhất tại EU và môi trường hành chính có nhiều cải thiện.
Chính phủ chủ trương mở rộng và khuyến khích môi trường đầu tư nước ngoài, đặc biệt ưu tiên cho đầu tư vào các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện tử, chế tạo xe ô tô, kỹ thuật y học, sản phẩm quang học, dược phẩm, công nghệ thông tin và hoạt động nghiên cứu khoa học. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào các khu công nghệ và công nghiệp dành cho sản xuất công nghệ cao và cho hoạt động sáng chế.
Với môi trường đầu tư kinh doanh tốt như vậy, tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam sẽ nghiên cứu, thiết lập và mở rộng đầu tư vào Bulgaria.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2014 trên cương vị trưởng đoàn khảo sát thị trường du lịch, cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch Bulgaria Anelia Krushkova nhận xét rằng Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp và con người chân tình song không nhiều khách du lịch Bulgaria đến Việt Nam, một phần bởi công việc tiếp thị chưa tốt.
Bulgaria có nhiều tiềm năng du lịch. Mỗi năm nước này đón khoảng trên 8 triệu khách du lịch trong khi dân số chỉ là 7,3 triệu người! Tôi rất ngưỡng mộ Bulgaria về phát triển ngành công nghiệp không khói này. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều công ty du lịch của Việt Nam sang học tập trao đổi kinh nghiệm với các công ty du lịch Bulgaria.
Như vậy là ngành du lịch hai nước hoàn toàn có thể thúc đẩy hợp tác mạnh hơn nữa?
Rõ ràng là việc hợp tác giữa Bộ Du lịch Bulgaria và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cần được tăng cường để thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác du lịch giữa hai nước trong giai đoạn 2014–2016. Hai bên cần thường xuyên trao đổi đoàn xúc tiến đầu tư du lịch, xem xét việc lập nhóm công tác về hợp tác du lịch Việt Nam – Bulgaria, tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu du lịch...
Để quảng bá xúc tiến du lịch, hai bên cần hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát của các hãng lữ hành, nhà báo sang thăm, viết bài tiềm năng du lịch mỗi nước; cùng nhau tổ chức các đợt phát động thị trường tại các thành phố lớn; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành của hai nước sang mở văn phòng đại diện tại mỗi nước...
Bên cạnh đó, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, mời các công ty lữ hành của Việt Nam tham gia các khóa đào tạo tại Bulgaria - nơi có các trường đại học chuyên ngành đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Hạnh Diễm (thực hiện)