📞

Việt Nam cần chủ động đối phó với thách thức từ kinh tế thế giới

09:39 | 15/01/2019
Vấn đề đặt ra là làm sao nhận diện đúng chiều hướng vận động của kinh tế thế giới cũng như dự báo được những tác động đối với Việt Nam. Từ đó, có những chiến lược, sách lược giúp cho Việt Nam tranh thủ được những cơ hội và những nhân tố thuận lợi, đồng thời giảm rủi ro bởi những yếu tố bất lợi do tình hình kinh tế thế giới hiện nay.

Đó là khẳng định của Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Văn Thảo tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế - tài chính thế giới: Tác động và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” chiều 14/1 tại Hà Nội do Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ngân hàng Standard Chatered tổ chức.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Standard Chatered, các chuyên gia kinh tế Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Viện nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ly Ly)

Nằm hoạt động được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chatered, Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia Việt Nam cùng chuyên gia của Ngân hàng Standard Chatered cùng đánh giá triển vọng kinh tế tài chính thế giới năm 2019; trao đổi thực chất về các tác động thuận và không thuận đối với kinh tế Việt Nam. Trền cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị phù hợp để Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, bước vào năm 2019, kinh tế toàn cầu tiếp tục chiều hướng tăng trưởng chậm lại trong khi các yếu tố bất trắc, khó lường tăng lên. Nhiều nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng suy giảm, điều kiện tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn, rủi ro tài chính tiền tệ tăng lên. Đặc biệt, cạnh tranh chiến lược quyết liệt hơn và xung đột thương mại quốc tế đang diễn biến rất phức tạp và gây nhiều khó khăn cho thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các bất ổn địa chính trị, các thách thức an ninh phi truyền thống đang gia tăng như bất ổn về chính trị - xã hội, biến đổi khí hậu và khủng bố, giá dầu thế giới biến động khó lường.

“Có thể nói kinh tế thế giới hiện nay như một vùng biển nhiều sóng gió bị bao phủ bởi bầu không khí dày đặc sương mù mờ ảo. Vượt qua vùng biển này là một thử thách đối với bất kỳ con tàu nào, dù đó là nền kinh tế quốc gia hay doanh nghiệp”, ông Thảo nhận định

Theo Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Nguyễn Văn Thảo, năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 7,1% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Không chỉ nằm trong nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng đang được cải thiện rõ rệt với sự tăng trưởng đến từ các ngành chế tạo, chế biến và dịch vụ.

Bà Phạm Như Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chatered trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: Ly Ly)

Mặc dù thương mại thế giới đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá với tốc độ 14%. Đây là kết quả của nỗ lực kiên trì, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và đang chịu nhiều hơn những tác động, biến động của kinh tế thế giới. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn đang tiếp tục xử lý những điểm yếu nội tại của thể chế, cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực…

“Vấn đề đặt ra là làm sao nhận diện đúng chiều hướng vận động của kinh tế thế giới cũng như dự báo được những tác động đối với Việt Nam. Từ đó, có những chiến lược, sách lược giúp cho Việt Nam tranh thủ được những cơ hội và những nhân tố thuận lợi, đồng thời giảm rủi ro bởi những yếu tố bất lợi do tình hình kinh tế thế giới hiện nay”, ông Thảo khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thảo cho rằng, tính bất trắc và khó lường của kinh tế toàn cầu đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Chính phủ cũng như doanh nghiệp về tăng cường năng lực theo dõi, cảnh báo về kinh tế thế giới. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng đối thoại, lắng nghe ý kiến tư vấn của các học giả, các chuyên gia và doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc xây dựng, triển khai chính sách và điều hành kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng Standard Chatered cùng các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã cùng thảo luận xung quanh các chủ đề: “Triển vọng kinh tế - tài chính thế giới năm 2019 và 2020: Xu hướng tăng lãi suất của Mỹ và tác động đối với các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam”; “Chính sách tiền tệ của Trung Quốc, đồng NDT giảm giá và tác động đối với Việt Nam”, “Triển vọng kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2019 và 2020”.