Hình ảnh cờ Việt Nam trên bo mạch điện tử của một linh kiện quan trọng của smartphone. (Nguồn: Getty Images) |
Khai phá tiềm năng kinh tế Việt Nam
Seeking Alpha, một trang chuyên đăng tải tin tức về thị trường tài chính có bài viết “Khai phá tiềm năng kinh tế của Việt Nam” nhận định Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, những bước tiến về năng lực sản xuất công nghệ cao và mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ.
Trang thông tin này đã “khám phá” những điều khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn: đó là khả năng chống chịu của nền kinh tế, sự tăng bậc trong chuỗi giá trị, đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và tiềm năng lớn về vật liệu chiến lược, chất bán dẫn.
Trang tin cho rằng, nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á khá kiên cường bất chấp những trở ngại do giá cả hàng hóa tăng cao dưới tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự giảm tốc ở Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. GDP của Việt Nam tăng trưởng 8,0% vào năm 2022 do nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ xuất khẩu hàng hóa trong đại dịch Covid-19. Nền kinh tế này vẫn ổn định ở mức tăng trưởng GDP 5,3% trong quý 3 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Thương mại của Việt Nam phải đối mặt với một số trở ngại trong năm nay do nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn giảm. Xuất khẩu giảm 10% trong 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước nhưng cuối cùng vẫn chuyển biến tích cực vào tháng 9.
Seeking Alpha bình luận, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức sâu sắc thách thức trên và đang tích cực cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Nước này đã ký nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và đưa ra các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế, lãi suất cho vay ưu đãi, miễn thuế nhập khẩu và ưu đãi phí sử dụng đất cho các nhà máy công nghệ cao.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ dường như đã mang lại một số kết quả ban đầu. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu hàng điện tử, đặc biệt là sang Hoa Kỳ. Từ con số gần như bằng 0, Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng điện tử nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, mặc dù phải đối mặt với một môi trường đầy thách thức do tốc độ tăng trưởng chậm lại và hiệu quả xuất khẩu giảm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam vẫn thu hút được 15,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lĩnh vực sản xuất vẫn duy trì vị trí là điểm thu hút FDI chính, với khoản đầu tư từ đầu năm đến nay vượt quá 14 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Thành tựu này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình bất ổn hiện nay, áp lực lạm phát và niềm tin vào triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng suy giảm. Các nhà cung cấp chính của Apple như Foxconn Technology Group (OTCPK:FXCOF), GoerTek Inc., Luxshare Precision Industry Co., và Pegatron Corp. đã thành lập nhà máy tại Việt Nam; đưa tỷ trọng của ngành điện tử trong tổng xuất khẩu lên 32% vào năm 2022.
Ngoài ra, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ngành đất hiếm của nước này đang bùng nổ với sản lượng năm 2022 là 4.300 tấn, tăng khoảng 11 lần so với sản lượng năm 2021 chỉ 400 tấn. Nước này đặt mục tiêu nâng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Các công ty nước ngoài bao gồm các công ty nam châm Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó có nhà cung cấp Apple (AAPL) chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.
Gần đây, Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên phạm vi rộng. Đáng chú ý, Hoa Kỳ cam kết tài trợ ban đầu 2 triệu USD để khởi động các sáng kiến phát triển lực lượng lao động bán dẫn tại Việt Nam. Chất bán dẫn là một thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ khác nhau và sự hợp tác này nhằm mục đích nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, cho thấy vai trò quan trọng mà Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành.
Trang tin kết luận, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một sự chuyển đổi kinh tế sôi động, thể hiện khả năng chống chịu ấn tượng, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực có giá trị cao. Với trữ lượng đất hiếm đáng kể và lĩnh vực bán dẫn đang phát triển, Việt Nam sẵn sàng trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam càng củng cố thêm vị thế của quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nên “để mắt” đến Việt Nam khi nước này tăng bậc trong chuỗi giá trị và mở rộng sự hiện diện trong các lĩnh vực chiến lược, khiến quốc gia này trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Câu chuyện tăng trưởng thần tốc
Trước đó, MoneyWeek, một trong những tạp chí tài chính có tiếng ở Anh cũng có bài phân tích về câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.
Tạp chí này cho rằng các dấu mốc: thực hiện chính sách “Đổi mới” vào tháng 12/1986, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, năm 2000 bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 cùng với chính sách thúc đẩy tham gia ký kết một loạt các thỏa thuận thương mại đã biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần trong hai thập kỷ sau năm 2002. Năm 1986, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm chưa đến 7% GDP của Việt Nam đã tăng lên 93% vào năm 2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam, tháng 9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam đã trải qua ba đợt phát triển bùng nổ rõ rệt về vốn đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên là vào giữa những năm 1990 khi Honda Motor của Nhật Bản bắt đầu “sản xuất xe hai bánh tại địa phương” và các thương hiệu thời trang thể thao toàn cầu đã triển khai xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Sau đó, đầu những năm 2000 chứng kiến các công ty công nghệ từ những nơi khác ở châu Á thiết lập dây chuyền sản xuất các thiết bị điện tử đơn giản. Và lần thứ ba và vào giữa những năm 2010, khi thu nhập của người dân địa phương ngày càng tăng, bắt đầu thu hút các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, chẳng hạn như “gã khổng lồ” Aeon của Nhật Bản.
Hiệu quả của những lần bùng nổ trên là kiến tạo Việt Nam trở thành một “cường quốc xuất khẩu”. Tác giả Jeff Prestridge đã thông tin trong tờ Mail on Sunday rằng: “Hơn một nửa số giày của Nike và 60% số điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam”.
Cũng theo MoneyWeek, hiện nay, Việt Nam đang có ý định dịch chuyển từ ngành dệt may và lắp ráp điện vốn “thâm dụng lao động” sang các lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn, ví dụ như chất bán dẫn.
Cũng theo tạp chí này, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực lớn hỗ trợ chuyển đổi thị trường trước áp lực ngày càng tăng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Đầu tư của Hoa Kỳ trong lịch sử bị hạn chế hơn so với đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 vừa qua và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ bật “đèn xanh” để tăng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam.
Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là “điều dễ thấy”. Tạp chí trích lời của ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư của VinaCapital nói với The Sunday Times. Lương công nhân tại nhà máy “chưa bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi chất lượng lao động tương đương ở nhiều lĩnh vực”. Đất nước này cũng có vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng ở miền nam Trung Quốc. Khoảng 75% chi phí vật liệu trong một chiếc điện thoại thông minh thông thường được tạo thành từ chi phí tổng hợp của bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, màn hình cảm ứng và nắp kính. Các nhà sản xuất Việt Nam có thể tìm nguồn cung hầu hết các bộ phận này từ những nơi khác ở châu Á với mức thuế bằng 0, nhờ vào mạng lưới các thỏa thuận thương mại tự do của đất nước. Trong khi đó, đối thủ Ấn Độ của họ phải đối mặt với mức thuế hải quan lên tới 22%.
MoneyWeek cho rằng, Việt Nam đã được mệnh danh là con hổ mới của châu Á, gợi nhớ đến sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore trong nửa sau thế kỷ 20. Các nhà đầu tư Việt Nam có quyền kỳ vọng rằng đất nước có thể noi gương những “con hổ” trước đó để tiến vào nhóm các nước thu nhập cao - được Ngân hàng Thế giới định nghĩa là những quốc gia có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trên 13.845 USD.