📞

Việt Nam chuẩn bị tốt, đảm nhận vai trò thành viên UNCITRAL

10:00 | 25/01/2019
Ngày 22/01, tại Hà Nội Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc trao đổi về công tác của UNCITRAL với đoàn chuyên gia luật của Ban thư ký Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc (UNCITRAL) do ông José Angelo Estrella Faria, Chuyên gia luật cao cấpTrưởng Bộ phận Hỗ trợ kỹ thuật, Văn phòng Pháp lý Ban thư ký UNCITRAL đứng đầu.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đồng thời tổ chức cuộc tọa đàm với đoàn chuyên gia của UNCITRAL về các vấn đề pháp lý quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế đang được thảo luận trong khuôn khổ UNCITRAL.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chủ trì tọa đàm và cuộc trao đổi với đoàn chuyên gia UNCITRAL là Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, T.S. Lê Thị Tuyết Mai. Tham dự tọa đàm về phía Việt Nam có các đại diện của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và một số giảng viên, chuyên gia luật quốc tế, trọng tài viên từ các đại học của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm trọng tài Việt Nam.

Ông José Angelo Estrella Faria phát biểu chúc mừng và đánh giá cao việc Việt Nam ứng cử thành công, được bầu làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, đồng thời bày tỏ cám ơn Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc tọa đàm và trao đổi về công tác của UNCITRAL.

Ông Faria đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với thành công và nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện và áp dựng pháp luật, phát triển thương mại, đầu tư và kinh tế - xã hội ở trong nước, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho công tác UNCITRAL trong thời gian tới.

Đoàn chuyên gia của UNCITRAL đã trao đổi về công tác của UNCITRAL, các nỗ lực, các văn kiện của UNCITRAL trong việc hài hòa và nhất thể hóa quy định pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế, quy tắc của các trung tâm trọng tài quốc tế trên thế giới liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, T.S. Lê Thị Tuyết Mai chủ trì tọa đàm và cuộc trao đổi với đoàn chuyên gia UNCITRAL.

Đoàn chuyên gia UNCITRAL tập trung trao đổi một số vấn đề pháp lý nổi lên liên quan đến Bộ Quy tắc UNCITRAL về minh bạch trong thủ tục trọng tài giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (1/4/2014), Công ước của Liên hợp quốc về Minh bạch trong Thủ tục trọng tài giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở điều ước quốc tế về đầu tư, được thông qua năm 2014 và được mở ký tại quốc đảo Mauritius (còn gọi là Công ước Mauritius).

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thành quả mới nhất của UNCITRAL trong bối cảnh trên thế giới đang có xu hướng tăng cường sử dụng biện pháp hòa giải, đó là Công ước về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế đạt được qua hòa giải, được UNCITRAL hoàn thành tháng 7/2018 và Đại hội đồng LHQ đã thông qua tháng 12/2018. Công ước sẽ được mở ký tại Singapore tháng 8/2019.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các bộ, ngành và chuyên gia, học giả về luật quốc tế của Việt Nam đã trao đổi sôi nổi về công tác của UNCITRAL, nhất là về những quan ngại của quốc tế và của Việt Nam về cơ chế hiện hành và nhu cầu cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, là chủ đề đang được thảo luận tại Nhóm Công tác III của UNCITRAL và Công ước Singapore về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế đạt được qua hòa giải, được xây dựng trong khuôn khổ Nhóm Công tác II của UNCITRAL. Các đại diện của Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình bày về những nét chính của pháp luật và thực tiến Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, các đại diện của Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức liên quan và đoàn chuyên gia UNCITRAL cũng trao đổi về khả năng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNCITRAL trong thời gian tới nhằm phát huy sự tham gia của Việt Nam trong công tác của UNCITRAL, trong đó có việc tăng cường nhận thức và áp dụng các văn kiện, quy tắc về Luật thương mại quốc tế ở Việt Nam và khu vực ASEAN.

Đoàn chuyên gia luật của Ban thư ký Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Cuộc tọa đàm và trao đổi làm việc giữa chuyên gia của UNCITRAL và đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan của Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc tổ chức triển khai các hoạt động của Việt Nam tham gia công tác của UNCITRAL trong thời gian tới sau khi Việt Nam lần đầu tiên ứng cử và được các quốc gia thành viên LHQ bầu làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ tháng 12/2018. Việc Việt Nam ứng cử thành công và cam kết tham gia tích cực vào công tác của UNCITRAL là bước đi mới do Bộ Ngoại giao đề xuất và chủ trì triển khai nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, tăng cường vận dụng và tham gia phát triển luật pháp quốc tế nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, đóng góp cho hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới theo Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư tháng 10/2018.

Việt Nam sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, bắt đầu từ tháng 7/2019. Bộ Ngoại giao đang tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam để xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động tham gia tích cực vào công tác của UNCITRAL, trong đó bao gồm việc tham gia thảo luận, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quốc gia, đề xuất giải pháp xây dựng, hoàn thiện các quy tắc, luật lệ nhằm hài hòa hóa và nhất thể hóa luật thương mại quốc tế, thúc đẩy nâng cao nhận thức và áp dụng hiệu quả các văn kiện pháp lý và sáng kiến của UNCITRAL để đóng góp tích cực cho hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật trong nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy thương mại, đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

UNCITRAL là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Pháp lý thuộc ĐHĐ LHQ, được ĐHĐ LHQ lập ra từ năm 1966 với mục đích thúc đẩy quá trình pháp điển và hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó, giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế. Những văn kiện quan trọng do UNCITRAL xây dựng đóng góp quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế bao gồm:

(1) Công ước New York năm 1958 về Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài hiện nay có 159 thành viên, trong đó có Việt Nam. Năm 2018 đánh dấu 60 năm ngày ra đời Công ước (1958-2018), các ý kiến của các quốc gia, doanh nghiệp và học giả đều cho rằng Công ước này là điều ước quốc tế đa phương quan trọng và thành công nhất trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Các doanh nghiệp trên thế giới đánh giá khả năng thi hành của phán quyết trọng tài nước ngoài là ưu điểm số một của trọng tài thương mại. Công ước này hiện nay có 159 thành viên, là điều ước quốc tế đa phương quan trọng và thành công nhất trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ). Công ước này đảm bảo khả năng thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài một cách nhanh chóng, hiệu quả tại gần như khắp các quốc gia trên thế giới (được coi là vượt xa khả năng thi hành của bản án, quyết định của các tòa án quốc gia), đặt nền móng cho sự phát triển của trọng tài quốc tế, tạo sự an tâm cho các bên khi giao kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài do đã có cơ chế thi hành hữu hiệu một khi xảy ra tranh chấp.

(2) Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế do UNCITRAL xây dựng đã được 80 quốc gia/110 hệ thống tư pháp tiếp thu trực tiếp đưa vào pháp luật trong nước về Trọng tài thương mại quốc tế. Luật Mẫu này đã trở thành “giáo trình” cho tố tụng trọng tài trên thế giới, giúp cho sự phát triển các trung tâm trọng tài quốc tế trên thế giới như Hong Kong, Singapore… Cả những quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển từ lâu đời như Pháp, Anh cũng đều tham chiếu Luật Mẫu trong quá trình xem xét các vấn đề về trọng tài.

(3) Bộ Quy tắc trọng tài UNCITRAL được thông qua năm 1976, sửa đổi năm 2010, năm 2013. Bộ Quy tắc của UNCITRAL được sử dụng rộng rãi dưới 2 phương thức: (i) áp dụng trực tiếp trong các vụ kiện trọng tài ad-hoc (gồm cả tranh chấp đầu tư) theo thỏa thuận của các bên (hoặc điều khoản hiệp định đầu tư) và (ii) là tiêu chuẩn tham chiếu cho các trung tâm trọng tài trong việc ban hành quy tắc tố tụng. UNCITRAL cũng có những hướng dẫn tiến hành tố tụng để trung tâm, hội đồng trọng tài tham khảo.

(4) Bộ Quy tắc UNCITRAL về Minh bạch được dẫn chiếu trực tiếp là một phần của Bộ Quy tắc Tố tụng Trọng tài của UNCITRAL kể từ tháng 4/2014. Các hiệp định đầu tư của những nước ký sau 2014 có quy định đồng ý sử dụng Bộ Quy tắc Tố tụng Trọng tài của UNCITRAL sẽ được coi là đồng ý áp dụng luôn cả Bộ Quy tắc Minh bạch, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết công khai các thông tin bao gồm đơn khởi kiện và các bản luận cứ. Vấn đề có công bố hay không công bố các thông tin khác như phiên xử hay bằng chứng, chứng cứ sẽ do các bên tranh chấp và hội đồng trọng tài quyết định.

(5) Công ước Mauritius có hiệu lực năm 2017, hiện nay 5 quốc gia thành viên. Quy định của Công ước này nhằm đảm bảo Bộ Quy tắc UNCITRAL về minh bạch tương thích của với các điều khoản giải quyết tranh chấp đầu tư trong các điều ước quốc tế về đầu tư (trên thế giới hiện nay có hơn 3000 hiệp định đầu tư). Nhiều quy tắc về minh bạch đã được nhiều nước (cả những nước chưa là thành viên Công ước Mauritius) đưa vào các điều ước quốc tế về đầu tư, ví dụ trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

(6) Công ước về Thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế đạt được qua hòa giải được Đại hội đồng LHQ thông qua tháng 12/2018, dự kiến sẽ được mở ký tại Singapore tháng 8/2019.