Hội nghị lần thứ VII từ ngày 18-21/5 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương để công nhận năm 2016.
Trong số đó, Việt Nam có hai hồ sơ đăng ký là “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc Giang.” Hội nghị do Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
“Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” là hệ thống thơ văn trang trí trên kiến trúc cung đình mang nét độc đáo và có giá trị khu biệt, đa dạng và đầy tính nghệ thuật, trong đó có hệ thống thơ văn chữ Hán bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối vốn được chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn sau đó chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hoặc đắp nổi trên các công trình kiến trúc; là dạng văn tự được sử dụng chung trong các nước đồng văn (các nước trong khối văn hóa Nho giáo: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) suốt hàng ngàn năm nên có tính quốc tế và tính phổ biến rất cao. Ngôn ngữ này không chỉ dành cho người Việt Nam mà các sứ thần của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… khi đến kinh đô Huế đều có thể dễ dàng đọc và lĩnh hội được ý nghĩa.
Thơ được chạm khắc tinh tế trên gian chính trung điện Thái Hòa, Huế. (Ảnh: Thế Phong) |
Kiệt tác “Mộc bản trường học Phúc Giang.” (Mộc bản Trường Lưu) là các tư liệu được khắc trên bản gỗ thị khá tinh xảo, thư pháp đẹp cùng ấn triện gia huy, dấu bản quyền chứa nhiều thông tin về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, giao lưu giữa các dòng họ trong đó có những mộc bản cổ có giá trị quý hiếm, cùng một số sách “Tứ thư ngũ kinh” của Khổng giáo. Những mộc bản này được lưu giữ tại Phúc Giang thư viện, Hà Tĩnh (Phúc Giang tàng thư), một thư viện nổi tiếng khắp cả nước của dòng họ Nguyễn Huy từ 1758 - 1788.
Trang bìa của mộc bản được khắc in nổi bằng chữ Hán cổ. (Ảnh: Hạnh Lê) |
Bốn mươi năm trở thành thành viên của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh. Đặc biệt Huế có hai di sản thế giới đã được UNESCO công nhận (Quần thể di tích Cố đô Huế năm 1993 và Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế năm 2003).
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, MOWCAP tiếp tục xem xét đánh giá các chương trình hoạt động được thông qua tại hội nghị toàn thể trước đó; giới thiệu và hướng dẫn thực hiện khuyến nghị của UNESCO về di sản tư liệu; xem xét lại bộ hướng dẫn về Chương trình Ký ức thế giới và Bảo vệ Di sản tư liệu; bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời lựa chọn, công bố những bộ sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của châu Á - Thái Bình Dương.
Dự hội nghị có các đại biểu quốc tế đến từ 16 nước trong khu vực, đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương của Việt Nam có di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được công nhận.