📞

"Việt Nam có thể trở thành người hùng của loài tê giác"

19:57 | 08/06/2016
Cuộc vận động vừa diễn ra tại 11 trường quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh đã kêu gọi những bạn trẻ Việt Nam trở thành người hùng và lên tiếng chống lại việc sử dụng sừng tê giác.

Chương trình Bảo vệ Tê giác Hoang dã do tổ chức Wilderness Foundation Africa (WFA), Peace Parks Foundation (PPF) và SOUL Music & Performing Arts Academy (SOUL) thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014.

Là giai đoạn hai của chương trình nói trên, “Vietnam, Be My Hero” được xây dựng dựa trên các hoạt động trong năm 2014 và 2015 khi có tới ​​15.000 các bạn trẻ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh được giới thiệu về các cuộc khủng hoảng trong nạn săn trộm tê giác và được mời tham dự cuộc thi Tê giác Hoang dã (Wild Rhino Competition).

Chiến dịch “Vietnam, Be My Hero” được tạo ra thông qua những ý kiến đóng góp sâu sắc của các bạn trẻ Việt Nam trong các buổi hội thảo cùng ban cố vấn chuyên môn. Sử dụng các nguyên tắc giáo dục thực tế, chiến dịch được khắc họa bằng những thông điệp và suy nghĩ của các đại sứ trẻ trên các áp phích, tờ rơi giáo dục và các tài liệu trưng bày xung quanh khuôn viên trường học.

Thu Minh và Thanh Bùi là những nghệ sĩ  Việt Nam tích cực tuyên truyền bảo vệ tê giác. (Nguồn: Dân trí)

Không dừng lại ở đó, việc tham gia và tương tác với chiến dịch Tê giác Hoang dã còn được tuyên truyền thông qua các trang web, mạng xã hội như Facebook và Instagram. Đại diện của WFA, PPF và SOUL đã đến thăm các trường học từ ngày 13 -20/5 để khởi động chiến dịch và khuyến khích sự tham gia của các bạn trẻ.

Tiến sĩ Andrew Muir, Giám đốc điều hành của WFA cho biết: "Được nhìn thấy trẻ em Việt Nam ở mọi lứa tuổi đón nhận ý kiến rằng tê giác là một phần tài sản của họ quả thực là một phần thưởng đáng quý đối với tôi. Hiện nay, tê giác hoang dã đã không còn tồn tại ở Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của người Việt Nam là giúp đỡ chúng tôi chống lại cuộc khủng hoảng về nạn săn trộm tê giác. Chúng tôi tự hào khi được làm việc tại đây và được khích lệ bởi những phản hồi tích cực mà chúng tôi nhận được từ chiến dịch này”.

Ông Werner Myburgh, Giám đốc điều hành của PPF nhấn mạnh: "Nắm rõ và chấp nhận sự thật phũ phàng rằng sẽ không có giải pháp ngắn hạn nào để chấm dứt nạn săn trộm tê giác, chúng tôi tiếp tục tham gia vào các hoạt động hỗ trợ nhằm giải quyết những thách thức quan trọng trong việc ngăn chặn chuỗi cung ứng sừng tê giác bất hợp pháp để bảo vệ loài tê giác, phá vỡ mạng lưới buôn bán và làm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác – yếu tố chính làm gia tăng tội phạm liên quan đến động vật hoang dã".

Nhạc sĩ Thanh Bùi, Giám đốc điều hành của SOUL cho biết: "Chiến dịch “Vietnam, Be My Hero” là một cơ hội cho người Việt Nam phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, thông qua một vấn nạn mang tính quốc tế. Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội để ngăn chặn nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Việt Nam có thể trở thành người hùng của loài tê giác".