Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tiếp ông Từ Hạo Lương, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tiếp ông Từ Hạo Lương, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với LHQ nói chung và UNDP nói riêng. Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của UNDP trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tư vấn chính sách, triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động…
Đánh giá cao những nỗ lực trong hoạt động của Văn phòng UNDP tại Việt Nam, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, UNDP đã tích cực hỗ trợ Việt Nam cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người dân bị thiệt hại nặng nề do đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong hơn 90 năm qua ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạt động tích cực đó của UNDP tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Cảm ơn Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã dành thời gian tiếp, ông Từ Hạo Lương khẳng định, UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề tài chính cho phát triển, biến đổi khí hậu… Hiện UNDP đang cùng với các cơ quan của Việt Nam xây dựng Chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021 theo hướng trên, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi về việc thúc đẩy các biện pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác, đặc biệt là ở các lĩnh vực UNDP có nhiều thế mạnh như tăng cường năng lực thể chế, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Dự kiến, trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Từ Hạo Lương sẽ chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam, làm việc với các Bộ, ban, ngành có liên quan, thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ngôi nhà xanh chung LHQ và làm việc với các tổ chức LHQ tại Việt Nam.
Cùng ngày, tại buổi tiếp ông Jean-Louis Atangana Amougou, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) nhân dịp ông dự cuộc họp các Đại diện quốc gia bên cạnh OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, đây là cuộc họp có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai kế hoạch hành động về hợp tác Pháp ngữ tại khu vực giai đoạn 2015-2018; qua đó, thúc đẩy hợp tác và nâng cao vai trò, hình ảnh của Pháp ngữ trong khu vực.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tiếp ông Jean-Louis Atangana Amougou, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh: Anh Sơn) |
Khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với OIF và các nước thành viên Pháp ngữ, Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cũng luôn thể hiện là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho các hoạt động Pháp ngữ.
Ông Jean-Louis Atangana Amougou bày tỏ khâm phục những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Dành những lời tốt đẹp nói về đất nước, con người Việt Nam, ông Jean-Louis Atangana Amougou cho biết, ông đã từng có thời gian công tác ở Việt Nam khi còn là Giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Ngoại giao. “Mỗi lần đến Việt Nam công tác là một lần tôi thấy sự đổi thay ở những nơi tôi đến”, ông nói.
Trong chuyến công tác lần này, ông đã có buổi làm việc với Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Công thương nhằm thúc đẩy hơn nữa khả năng hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và khối Pháp ngữ cũng như với từng thành viên của Khối. Hiện Cộng đồng Pháp ngữ đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế cùng với 2 trụ cột văn hoá, chính trị sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên trong Tổ chức và đảm bảo lợi ích của tương lai toàn cầu.
Vì vậy, vị Chánh Văn phòng Tổng Thư ký OIF khẳng định, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các thành viên của Khối, trong đó có Việt Nam sẽ tạo ra sức bật mới cho không gian Pháp ngữ. Văn phòng của OIF tại Hà Nội sẽ là cầu nối quan trọng để hai bên đẩy mạnh các biện pháp hợp tác về kinh tế.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagascar (tháng 11/2016) và về tình hình an ninh, chính trị khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Hai bên bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, nhất là các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa… đe dọa nghiêm trọng tự do, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Hai bên cho rằng, các bên trong chấp chủ quyền ở Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Hiện nay số lượng người nói tiếng Pháp có khoảng 800 triệu người, chiếm 13% dân số thế giới, thuộc 77 quốc gia và chính phủ thành viên có mặt trên khắp các châu lục, đóng góp 13% cho GDP toàn cầu. |
Sau buổi tiếp, ông Nguyễn Thiệp, Đại diện Quốc gia nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ đã có buổi làm việc với ông Jean-Louis Atangana Amougou, Chánh Văn phòng Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. (Ảnh: Anh Sơn) |