📞

Việt Nam – Cuba: Hình mẫu của quan hệ quốc tế

10:45 | 31/12/2016
Chủ tịch Cuba Fidel Castro từng nói: “Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”.

“Ngọn hải đăng” cách mạng ở Mỹ Latin

Ngay từ thời Tổng thống James Madison, Mỹ đã tìm cách khống chế kinh tế đối với Cuba. Chỉ trong năm 1821, hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Cuba đạt trên 4,5 triệu USD, chiếm trên 2/3 hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang toàn bộ vùng thuộc địa Tây Ban Nha tại châu Mỹ. Bên cạnh sự xâm nhập về kinh tế, các nhà chính trị Mỹ bắt đầu gây dư luận về “lợi ích đặc biệt” và “tính chất quan trọng” của Cuba đối với Mỹ. Chẳng hạn, ngày 28/4/1823, trong một bức thư gửi Công sứ Mỹ tại Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Mỹ John Quincy Adams đánh giá rằng: “Tính chất quan trọng của Cuba đối với lợi ích quốc gia của Mỹ không một lãnh thổ nước ngoài nào có thể sánh kịp”.

Đến năm 1898, trận chiến Tây Ban Nha – Mỹ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử can thiệp vào khu vực Mỹ Latin của Mỹ. Sau trận chiến này, Mỹ đã làm chủ được vùng biển Caribbean rộng lớn, trong đó có Cuba. Tại Cuba, Mỹ dựng nên chính quyền thân cận của mình và thành lập các tập đoàn kinh tế tư bản lớn để khai thác tối đa lợi nhuận.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong những ngày hoạt động du kích gian khổ ở Sierra Maestra. (Nguồn: NYTimes)

Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng 1959, Cuba đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Mỹ với tư cách là “ngọn hải đăng” của cách mạng ở Mỹ Latin. Trong hai năm sau đó, quan hệ song phương Cuba – Mỹ đi vào bế tắc sau khi Cuba quốc hữu hóa các tập đoàn tư nhân khổng lồ, bao gồm các công ty của Mỹ tại đây. Đáp trả lại, Mỹ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ra lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Cuba.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Cuba nghiêng về phía Liên Xô (cũ) và đã xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa vào năm 1962. Lúc đó, nhằm cản trở sự bành trướng của tên lửa hạt nhân Mỹ trên thế giới và bảo vệ Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội anh em, Chủ tịch Fidel Castro đã đồng ý cho Liên Xô bố trí các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại đất nước mình. Chủ tịch Fidel Castro đã nói: “Chúng tôi có thể sẽ là những người phải hy sinh trước tiên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.

“Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu”

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960. Sau đó, giữa lúc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã sang Việt Nam giúp chữa trị cho các thương binh và các nhân dân. Bất chấp sự phong tỏa bằng bom, mìn của Mỹ, các tàu Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng, vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam. Đồng thời Cuba cũng cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, đồng thời vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (LHQ).

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và mời đặt cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại Havana. Sau đó Cuba đã cử Ðại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng. Cuba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (23/9/1963) do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez sáng lập. Hằng năm, Cuba giúp Việt Nam 3 vạn tấn đường và nước bạn đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Ngày 2/1/1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, trong cuộc mít-tinh có trên 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời đến từ nhiều nước châu Á, Phi, Mỹ Latin, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sau đó, hàng ngàn thanh niên Cuba đã viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. (Nguồn: TTXVN)

Trong tháng 9/1973, bất chấp tình hình nguy hiểm, Chủ tịch Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Chủ tịch Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất đến thăm một vùng giải phóng của miền Nam. Cũng trong chuyến thăm vào năm 1973 này, Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), tuyến đường Sơn Tây - Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ.

Gác lại quá khứ vì lợi ích chung

Mặc dù bị Mỹ và đồng minh bao vây cấm vận nhưng nước Cuba xã hội chủ nghĩa vẫn hiên ngang đứng trong hàng ngũ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)…

Trước sau như một, Cuba là “con đê” mà Mỹ muốn vượt qua để thôn tính trở lại Mỹ Latin, nhằm biến nơi đây trở thành “sân sau của Nhà Trắng”. Mỹ đã tìm mọi cách để chống phá Cuba. Đó là sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961, khi Mỹ đưa những tên phản động gốc Cuba từ Florida đổ bộ xâm chiếm Cuba. Đó là sự bao vây cấm vận nghiệt ngã đối với Cuba từ năm 1961 đến nay khiến Cuba thiệt hại 125,9 tỷ USD. Đó là các kế hoạch lật đổ chế độ cách mạng và ám sát các nhà lãnh đạo cách mạng chủ chốt, trong đó Chủ tịch Fidel Castro bị CIA ám sát hụt 800 lần. Đặc biệt, dười thời Tổng thống Bush con, Mỹ còn lập ra kế hoạch “Cuba dân chủ” với nội dung “giúp người dân Cuba chuyển tiếp nền dân chủ… tổ chức các cuộc bầu cử tự do và thiết lập một nền kinh tế thị trường trong vòng 18 tháng”.

Chủ tịch Fidel Castro cầm tờ báo ở New York viết về âm mưu ám sát mình, năm 1959. (Nguồn: Corbis)

Khoảng cách 90 hải lý giữa Cuba và Mỹ thực sự đã trở thành “một chiến hào, một chiến lũy, một hàng rào dây thép gai, một sự căng thẳng cao độ, một ranh giới giữa hai thế giới, hai quan điểm, hai hệ thống. Nó trở thành ranh giới của lịch sử”, theo Luis Báez. Đến nay, Mỹ còn đóng quân tại vịnh Guantanamo rộng 117,6 km2 của Cuba với hợp đồng thuê “vô thời hạn” từ thời trước Cách mạng 1959 và biến nơi đây thành căn cứ hải quân và nhà tù.

Một điều thú vị là vào năm 1973, trở về sau chuyến thăm Việt Nam, trong một buổi họp báo, phóng viên người Anh Brian Davis đã hỏi Chủ tịch Fidel Castro như sau: “Thưa ngài, Cuba và Mỹ là hai quốc gia tuy rất gần về mặt địa lý nhưng luôn đối đầu, vậy theo ngài, bao giờ hai nước có thể bình thường hóa quan hệ?” Chủ tịch Fidel Castro trả lời ngay lập tức: “Nước Mỹ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi khi họ có một Tổng thống da màu và Giáo hoàng là người Mỹ Latin”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp nhau năm 2014 để bình thường hóa quan hệ hai nước. (Nguồn: Reuters)

Điều này đã trở thành hiện thực dưới thời Barack Obama, một người da màu làm Tổng thống Mỹ và Mỹ - Cuba đã đàm phán thành công để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời thông báo các kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện này được Việt Nam nhìn nhận là đã “đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Mỹ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”. Trước đó, ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau, mở ra một chương mới cho hai nước.

Đây chính là nỗ lực từ cả hai phía, Việt Nam – Mỹ, Cuba - Mỹ, cùng gác lại quá khứ để tiến đến lợi ích chung của nhân dân. Cuba vẫn sẽ mãi là “ngọn hải đăng” cách mạng của châu Mỹ Latin, vẫn sẽ đứng về phía các lực lượng tiến bộ của thế giới để đấu tranh không khoan nhượng trước những âm mưu bá quyền và nô dịch của các nước đế quốc – thực dân mới. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết rằng: “Cuba đây, chói ngọn cờ hồng/Cuba đạp sóng trùng dương tiến/Oai hùng như chiến hạm Rạng Đông!” (Từ Cuba, 8/1964).