Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA). (Ảnh: NVCC) |
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam như vậy về những điều Việt Nam có thể đóng góp trong tiến trình phát triển kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà đánh giá thế nào về cơ hội phát triển kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là trong ngành bán dẫn? Việt Nam có những điểm mạnh và thách thức gì trong lĩnh vực này?
Ngành bán dẫn của Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để phát triển, nhờ lực lượng lao động dồi dào và trẻ, tốt nghiệp tại các trường đại học nổi tiếng về công nghệ như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Quyết định của Chính phủ trong việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng giúp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp và tạo lợi thế chiến lược cho các thị trường trọng điểm của châu Á.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức như khoảng cách về kỹ năng (sự chênh lệch về khả năng hiện tại của nhân viên và những kỹ năng mà tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu để đáp ứng công việc), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh trong khu vực.
Dù vậy, tôi tin rằng, cách tiếp cận chủ động và lực lượng lao động năng động của Việt Nam đã mở ra tương lai tươi sáng cho ngành bán dẫn của đất nước.
Theo bà, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế Việt Nam?
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành bán dẫn của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến, từ đó, không chỉ nâng cao năng lực công nghệ mà còn thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các công ty khởi nghiệp ở địa phương.
Hệ sinh thái này cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện để chuyển giao kiến thức và phát triển kỹ năng.
Hơn nữa, lĩnh vực bán dẫn phát triển mạnh có thể tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là ở các lĩnh vực tay nghề cao, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Khi nhu cầu về chất bán dẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu, Việt Nam có tiềm năng định vị mình là nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng, hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu.
Cuối cùng, theo tôi, một hệ sinh thái đổi mới mạnh mẽ trong ngành bán dẫn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện mức sống cho người dân Việt Nam.
Các học viên tham dự Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ do Samsung và NIC tổ chức. (Ảnh: Đan Thanh) |
Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, cần làm gì để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, qua đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình?
Để thúc đẩy hiệu quả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, tôi nhận thấy, Việt Nam cần tập trung vào một số chiến lược chính như sau:
Thứ nhất, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) có mục tiêu. Việt Nam nên phân bổ nguồn lực cho R&D trong lĩnh vực chuyên biệt như bao bì và thử nghiệm tiên tiến. Đây là lĩnh vực đang phát triển với nhu cầu cao. Đồng thời, cần tập trung phát triển các giải pháp bán dẫn cho ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) bằng cách hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để thúc đẩy các giải pháp đột phá, phát triển ngành công nghiệp.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác. Đất nước cần khuyến khích hình thức hợp tác giữa các tổ chức tư nhân, học viện và khu vực công. Hình thức này có thể được mô phỏng theo các câu chuyện thành công ở các quốc gia khác, từ đó, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới tích hợp hơn.
Thứ ba, tăng cường phát triển kỹ năng. Lĩnh vực bán dẫn cần lực lượng lao động có tay nghề cao. Doanh nghiệp địa phương nên đầu tư vào các chương trình đào tạo, thực tập để trang bị cho nhân viên những kỹ năng và kiến thức mới nhất.
Bên cạnh đó, có thể hợp tác với các tổ chức giáo dục để điều chỉnh và thu hẹp khoảng cách với nhu cầu của ngành sẽ đảm bảo nguồn nhân tài ổn định.
Ngoài ra, việc cung cấp học bổng hoặc chương trình trao đổi để đào tạo sinh viên Việt Nam trong các chương trình bán dẫn hàng đầu ở nước ngoài như SEMI Regional Students Bootcamp sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm học tập đa văn hóa.
Thứ tư, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc vận động bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo bằng cách đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thể bảo vệ các phát minh và đầu tư của mình. Điều này sẽ tạo ra một môi trường an toàn hơn cho các doanh nghiệp phát triển và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới.
Thứ năm, tham gia vào mạng lưới toàn cầu. Việc tích cực tham gia vào các diễn đàn và mạng lưới quốc tế sử dụng nền tảng toàn cầu SEMI có thể mang lại những kết nối và cơ hội hợp tác có giá trị. Sự tiếp xúc này có thể giúp các công ty Việt Nam bắt kịp các xu hướng và công nghệ toàn cầu trong ngành bán dẫn.
Với việc tập trung thực hiện các chiến lược kể trên, tôi tin, Việt Nam có thể tăng cường đáng kể hệ sinh thái đổi mới trong lĩnh vực bán dẫn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước và định vị là một quốc gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Nhìn xa hơn, với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), bà đánh giá thế nào về thành quả phát triển kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế này, đặc biệt là trong ngành bán dẫn? Việt Nam có thể học hỏi và đóng góp thế nào cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
APEC cung cấp một nền tảng có giá trị giúp các nền kinh tế thành viên chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất về phát triển và đổi mới kỹ thuật số. Việt Nam có thể học hỏi từ thành tựu của các thành viên APEC khác, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, để đẩy nhanh sự tiến bộ của chính mình và trở thành một nước có vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh công nghệ toàn cầu.
Bằng cách thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, thúc đẩy đổi mới và phát triển lực lượng lao động lành nghề, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng và đóng góp vào sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Xin cảm ơn bà!