Singapore triển khai nền kinh tế tuần hoàn thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm phát triển các chương trình tái chế toàn diện rác thải xây dựng, thực phẩm, bao bì và điện tử... (Nguồn: PUB) |
Sáng kiến của một số nước ASEAN
Thống kê sơ bộ trên thế giới cho thấy, đến nay, có khoảng hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình như Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn lần thứ 2 của Liên minh châu Âu (EU) ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về kinh tế tuần hoàn để định hướng chung cho toàn khối.
Năm 2021, Ủy ban ASEAN ban hành Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khung kinh tế tuần hoàn đặt ra tầm nhìn dài hạn với các tham vọng về kinh tế tuần hoàn dựa trên các sáng kiến hiện có và xác định các trọng tâm ưu tiên hành động, đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn trong khối ASEAN.
Tin liên quan |
GEFE 2023: Biểu tượng cho những nỗ lực hợp tác không ngừng giữa châu Âu và Việt Nam |
Một số quốc gia trong ASEAN cam kết chuyển sang kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ bởi nhiều sáng kiến cấp quốc gia ở một số nước thành viên.
Đơn cử như tại Indonesia đặt mục tiêu giảm 70% chất thải biển vào năm 2025 và giảm 29% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Quốc gia này ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm quy định liên quan đến chính sách và chiến lược quốc gia về quản lý rác thải sinh hoạt và các loại rác thải tương tự.
Singapore đặt mục tiêu kế hoạch tổng thể trở thành quốc gia không rác thải vào năm 2030. Nước này triển khai nền kinh tế tuần hoàn thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm phát triển các chương trình tái chế toàn diện rác thải xây dựng, thực phẩm, bao bì và điện tử.
Malaysia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chuyển đổi tuần hoàn và xây dựng mạng lưới kết nối các bên liên quan.
Còn tại Việt Nam, đất nước đặt mục tiêu giảm 50% lượng rác thải đưa đến các bãi chôn lấp vào năm 2030. Việt Nam đã triển khai thành công nền kinh tế tuần hoàn thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về nền kinh tế tuần hoàn.
Đất nước hình chữ S có chương trình tái chế nhựa toàn diện, giúp giảm lượng rác thải nhựa ra đại dương và đang phát triển công nghệ tái chế chất thải nông nghiệp như chất thải thực vật và động vật. Từ năm 2019, Việt Nam giảm thành công 20% lượng rác thải nhựa ra đại dương.
Khu vực tư nhân Việt Nam tiên phong
Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch này trước ngày 31/12/2023.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế tuần hoàn có thể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh. Điều này có thể tạo ra việc làm mới trong lĩnh vực tái chế, sửa chữa và thiết kế bền vững, đồng thời giúp bảo vệ môi trường bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm và chất thải.
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Ví dụ như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Ðà Nẵng… giúp tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam đã hình thành liên minh tái chế bao bì. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm với quy trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến và được kiểm soát minh bạch.
Trong ngành xây dựng, với các biện pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, không nung… giúp đánh giá vòng đời của các tòa nhà và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho vật liệu xây dựng, thúc đẩy đổi mới về sử dụng tài nguyên và giải quyết hiệu quả các vấn đề thâm dụng vật liệu...
Kinh tế tuần hoàn có thể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, từ đó giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh. (Nguồn: Getty) |
Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, tại Việt Nam các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn chưa phổ biến, vì đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo logic nền kinh tế tuyến tính, có các mục tiêu tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi kinh tế tuần hoàn là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.
Ngoài ra, các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này.
Ðể đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức còn đến từ nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ; thiếu những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này.
Thời gian tới, để phát triển hiệu quả kinh tế tuần hoàn, TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và tài nguyên môi trường cho rằng, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất.
"Ðồng thời, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào, vốn và lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường; quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra", TS. Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.
| CIIE lần thứ 6: 'Ghi danh' thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc Khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tại CIIE lần thứ 6 gồm 34 doanh nghiệp, với 34 gian hàng trưng bày trên ... |
| Báo Anh: Việt Nam - 'con hổ kinh tế' mới của châu Á, đang phát triển mạnh mẽ "Chỉ hai thập niên trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Giờ đây, đất nước này là một trung ... |
| Phó Chủ tịch Hanoi SME: APEC 'mở cửa' đưa doanh nghiệp tới sân chơi rộng lớn hơn APEC tạo tiền đề để Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tham gia những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết ... |
| Thuế tối thiểu toàn cầu: Cần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ phương Tây và ASEAN Thuế tối thiểu toàn cầu là một thách thức rất lớn nhưng cũng mang đến cơ hội mới cho Việt Nam. Thời gian tới, đất ... |
| Kinh tế Việt Nam cần làm gì để 'cán đích' tăng trưởng 5%? Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm nay, phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, đồng ... |