Phát biểu khai mạc, GS. TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu về công nghệ sinh học (CNSH). Tiêu biểu là các nghiên cứu công nghệ gen, tế bào thực vật; giám định AND; nghiên cứu về tế bào gốc. Hiện nay, ngành CNSH được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Y – Dược, nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, công nghệ chế biến…
“Có thể thấy CNSH được xem là một trong các trụ cột chính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác động sâu sắc và rộng rãi đến đời sống xã hội và sản xuất, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của các quốc gia”, GS. TS. Phan Ngọc Minh nhấn mạnh
GS. TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH) |
Chia sẻ tại hội nghị, PGS. TS. Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong lĩnh vực CNSH có dịp chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học của mình với đồng nghiệp.
"Đây cũng là dịp để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực CNSH trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, để chúng ta có cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu của các trường và các viện nghiên cứu trên toàn quốc trong lĩnh vực này", Viện trưởng Chu Hoàng Hà nhận định.
Trong xu thế hiện nay, trên thế giới hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế nền tảng sinh học, CNSH ngày càng đóng vai trò quan trọng và được kỳ vọng là một trong những nhân tố quyến định sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của CNSH là khoa học sự sống đến các chương trình ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp thủy sản, công nghiệp chế biến, năng lượng sinh học… và hình thành các doanh nghiệp, tạo thị trường phát triển kinh tế sinh học.
Hội nghị nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: TH) |
Hội nghị với sự tham gia của hơn 450 tác giả đăng ký, với hơn 300 bài báo cáo được gửi đến. Các bài báo cáo đã được Hội đồng biên tập đánh giá thông qua các phản biện độc lập theo đúng quy trình biên tập của các tạp chí quốc gia, nhằm đảm bảo chất lượng khoa học
Hội đồng biên tập đã chọn được 287 bài đáp ứng được yêu cầu để đăng trong tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị. Ban tổ chức cũng chọn được 64 báo cáo đại diện để báo cáo tại các tiểu ban. Báo cáo tổng quan ở phiên toàn thể về các xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực CNSH, tiêu biểu là Công nghệ chỉnh sửa hệ gen và ứng dụng trong chọn tạo giống cây trồng; Phát triển thuốc có nguồn gốc từ biển, công nghệ mới trong ngành công nghiệp dược phẩm: Bài học thành công và triển vọng trong tương lai; Tế bào gốc: Các thành tựu mới trên thế giới và cơ hội tiềm năng phát triển, ứng dụng.
Theo Viện trưởng Chu Hoàng Hà, Hội nghị lần này cũng là một hoạt động hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập viện Công nghệ sinh học và tái khởi động hội Công nghệ sinh học, thuộc Hội các ngành Sinh học Việt Nam.
"Hy vọng thời gian tới hoạt động của Hội Công nghệ sinh học sẽ góp phần tăng cường thêm sự gắn kết hợp tác giữa các đơn vị làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đồng thời, tạo diễn đàn để các cán bộ nghiên cứu CNSH trao đổi thông tin ý tưởng và hợp tác nghiên cứu", Viện trưởng Chu Hoàng Hà kỳ vọng.