📞

Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh

Gia Thành 13:26 | 02/06/2022
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw cho biết, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.
Các đại biểu tại tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam. (Ảnh: Gia Thành)

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chuỗi sự kiện về triển vọng năng lượng Việt Nam, bao gồm tọa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam và lễ công bố báo cáo về triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo về triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ năm 2013, chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Đồng thời, cùng với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố báo cáo về triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có Hydro, amoniac xanh... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế".

Cũng tại buổi lễ, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA) Kristoffer Bottzauw cho biết, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi xanh, như được thể hiện qua cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26.

Ông Kristoffer Bottzauw khẳng định: "Thông qua báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn chia sẻ làm thế nào để đạt được mục tiêu này đúng thời hạn với chi phí thấp nhất có thể vì lợi ích đất nước, người dân và đặc biệt là khí hậu toàn cầu".

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam, trong đó bao gồm kịch bản để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Báo cáo là sản phẩm hợp tác giữa Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương và Cục Năng lượng Đan Mạch.

Báo cáo cung cấp nền tảng trên cơ sở kịch bản hoá để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết.

Đặc biệt, ấn phẩm ban hành năm nay xem xét các kịch bản tương lai với các phát hiện và khuyến nghị, nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

So với các ấn phẩm năm 2017 và 2019, báo cáo triển vọng Năng lượng 2021 đưa ra các kịch bản triển vọng năng lượng với các số liệu đầu vào và các giả định khác nhau, nhằm nghiên cứu các khả năng đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 cũng trình bày các kết quả nghiên cứu về: các kịch bản phát triển điện và năng lượng; khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn.

Đồng thời, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển Điện VIII cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.