📞

Việt Nam – Đan Mạch: Hợp tác để phát triển bền vững

10:45 | 30/05/2017
Đó là chia sẻ của Đại biện lâm thời Đại Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, ông Christian Brix Møller trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo TG&VN, nhân dịp Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Đan Mạch công bố báo cáo độc lập “Việt Nam – Đan Mạch: Sự chuyển đổi của quan hệ đối tác (2000-2015)”.

Báo cáo “Việt Nam – Đan Mạch: Sự chuyển đổi của quan hệ đối tác (2000-2015)” đề cập rất nhiều thành tựu hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đâu là những thành tựu nổi bật nhất, thưa ông? Xin ông cho biết thêm về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực này?

Đây là một câu hỏi rất hay và khó trả lời tường tận bởi hai bên đạt được rất nhiều thành tựu. Báo cáo này chỉ tập trung vào quá trình 15 năm (2000 – 2015) khi Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Đan Mạch. Dù vậy, kể từ năm 1993, Đan Mạch đã là một trong những nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất của Việt Nam.

Báo cáo nêu ra những kết quả ấn tượng ở các lĩnh vực hỗ trợ bao gồm môi trường, biến đổi khí hậu, nguồn nước, vệ sinh y tế, quản trị công, quyền con người, văn hóa và kinh doanh. Hơn hết, đó là sự chuyển đổi quan hệ giữa hai nước, từ hợp tác phát triển truyền thống trở thành hợp tác rộng lớn và toàn diện hơn.

Đại biện lâm thời ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam Christian Brix Møller trả lời phỏng vấn Báo TG&VN. (Ảnh: Duy Quang)

Hợp tác phát triển của Đan Mạch đã đi đầu trong đối thoại chính sách giúp thúc đẩy những thay đổi trong tư duy, chính sách, pháp luật và thực tiễn... thông qua trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Đan Mạch trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rõ trong lĩnh vực thủy sản, Đan Mạch là nhà tài trợ chính và đã hỗ trợ rất thành công, giúp nhiều gia đình Việt Nam tại vùng duyên hải thoát khỏi cảnh đói nghèo. Cùng với đó, thủy sản trở thành một trong ngành xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn một điểm theo tôi là thành tựu lớn, đó là năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký Tuyên bố chung về Đối tác Toàn diện (CPA) nhằm đưa ra một khung hợp tác chính thức sau giai đoạn hợp tác phát triển truyền thống. Thỏa thuận này tập trung tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, thương mại, và hướng đến sự hợp tác chặt chẽ hơn về giáo dục, môi trường và khí hậu. Đây là một thỏa thuận hợp tác mà Việt Nam đã ký với một số ít nước thuộc khu vực châu Âu.

Xin ông phân tích rõ hơn quá trình chuyển đổi quan hệ đối tác Việt Nam – Đan Mạch, từ hỗ trợ phát triển trở thành hợp tác rộng lớn và toàn diện hơn. Quá trình này diễn ra như thế nào và tác động ra sao đến Việt Nam cũng như phía Đan Mạch?

Theo tôi, có hai yếu tố chính đằng sau thành công của quá trình chuyển đổi này. Đầu tiên, từ năm 2007, Đan Mạch đã quyết định sau khi Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, chúng tôi sẽ từng bước giảm mối quan hệ hợp tác phát triển truyền thống này từ năm 2010 kết thúc hẳn vào năm 2015. Đây là một kế hoạch đã được tính toán kĩ càng, chứ không phải bất ngờ cắt đứt nguồn vốn hỗ trợ.

Yếu tố thứ hai đó là quyết tâm thay đổi mạnh mẽ của chính phủ Đan Mạch và chính phủ Việt Nam. Vì vậy, Đan Mạch đã có rất nhiều chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam. Nữ hoàng và Thái tử Đan Mạch đã đến thăm nước các bạn. Thủ tướng cùng rất nhiều Bộ trưởng cũng có dịp đến nói chuyện với chính phủ Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đã có rất nhiều chuyến thăm đến Đan Mạch, đặc biệt là chuyến thăm và ký kết CPA của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013.

Ngoài ra, yếu tố thứ ba cũng quan trọng không kém đó chính là Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã thành công trong việc kết hợp lĩnh vực hỗ trợ phát triển và đầu tư tài chính. Điều này có nghĩa chúng tôi có thể xây dựng Bộ Ngoại giao dựa trên kinh nghiệm và mạng lưới của Bộ Hợp tác Phát triển. Theo Hiệp ước hợp tác mới, phía Đan Mạch sẽ cùng lúc làm việc với nguồn vốn ODA và kết hợp việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Hai lĩnh vực này sẽ cùng hỗ trợ chặt chẽ với nhau dưới cùng một mái nhà Bộ Ngoại giao Đan Mạch.

Ông Møller nhấn mạnh đến hai yếu tố chính đằng sau thành công của quá trình chuyển đổi quan hệ đối tác Việt Nam - Đan Mạch. (Ảnh: Duy Quang)

Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs đã nói rằng: “Đan Mạch sẽ tiếp tục là một đối tác cam kết và tích cực của Việt Nam trong tương lai”. Vậy trong thời gian tới, trọng tâm trong hỗ trợ của Đan Mạch đối với Việt Nam bao gồm những nội dung gì?

Từ thời điểm tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Đan Mạch Ulla Tørnæs đã cam kết Đan Mạch sẽ tiếp tục là một đối tác cam kết và tích cực của Việt Nam trong tương lai. Bà cũng phát biểu thêm về những thành tựu của Đan Mạch cũng như trọng tâm hợp tác phát triển với Việt Nam trong tương lai. Nếu có thể tóm tắt phát biểu của bà Bộ trưởng trong một câu, nó sẽ là: “Hợp tác để phát triển bền vững”.

Trong một buổi họp báo, bà Tørnæs cho biết theo quan điểm của bà, khó khăn lớn nhất của Việt Nam không phải là phát triển kinh tế. Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong những nước tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Khó khăn lớn nhất chính là làm cách nào để phát triển kinh tế được bền vững. Nói rộng ra, Việt Nam không những phải phát triển Xanh mà còn phải có kế hoạch phát triển bền vững lâu dài.

Bà cũng cho biết rằng Đan Mạch sẽ tập trung vào những lĩnh vực gồm  Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp (Danida Business Partnerships) hay Chương trình Đối tác Năng lượng 2017-2020. Tôi hy vọng Chương trình Đối tác Năng lượng này sẽ được thông qua và bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay.

Lĩnh vực thứ ba và là trọng tâm của chuyến thăm đến Việt Nam của bà Tørnæs là chương trình mang tên “Hợp tác chiến lược theo ngành (SSC)”. Chương trình gồm 4 lĩnh vực chính và phía Đan Mạch sẽ hợp tác với các Bộ liên quan đến từng ngành: An toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Chăm sóc y tế (Bộ Y tế); Đào tạo nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi tin rằng Đan Mạch có khả năng giúp đỡ Việt Nam và bảo đảm một nền kinh tế phát triển bền vững. Ngoài ra, việc nghiên cứu và cung cấp học bổng trong 4 lĩnh vực chiến lược này cũng là một mối quan tâm của bà Bộ trưởng.

Bộ trưởng Tørnæs đã gửi lời mời Việt Nam tham gia một dự án mới mang tên P4G (Hợp tác vì Mục tiêu Xanh Toàn cầu) khi nước các bạn vốn đã là thành viên của 3GF (Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn cầu). P4G là dự án mở rộng từ 3GF, P4G sẽ bao gồm các lĩnh vực phát triển xanh tại các thành phố, nền kinh tế tuần hoàn, thực phẩm,… Việt Nam là một trong những nước ASEAN đầu tiên là thành viên của 3GF, vậy nên chúng tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào P4G.

(thực hiện)