📞

Việt Nam - Đan Mạch: Phát triển tự nhiên dựa trên giá trị chung

09:30 | 23/06/2016
“Việt Nam thu hút tôi bởi một xã hội tràn đầy năng lượng… Con người thân thiện, một nền văn hóa đậm đà bản sắc và quyến rũ là một phần lý do khiến tôi quay lại Việt Nam hồi năm ngoái”.

Đó là chia sẻ của Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen - người đang từng ngày góp phần tạo nên bức tranh sinh động về quan hệ song phương 45 tuổi (25/11/1971-25/11/2016) dựa trên những giá trị chung của hai nước - với phóng viên TG&VN.

Xin Đại sứ chia sẻ một số lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước?

Trong nhiều thập kỷ, Đan Mạch là một trong những nước cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Mục tiêu tổng thể của nguồn vốn này là giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển bền vững, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, thủy sản, kinh doanh, môi trường, khí hậu, nước sạch và vệ sinh môi trường với động lực là khối doanh nghiệp tư nhân.

Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quản trị liên quan tới lĩnh vực kinh tế, hành chính và tư pháp; các trung tâm nhân quyền, các hoạt động chống tham nhũng và hoạt động văn hóa toàn diện.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Charlotte Laursen tháng 2/2016. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung bình. Thành quả này đạt được sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kết hợp với nỗ lực xóa đói giảm nghèo đáng kể. Chính vị thế của Việt Nam đã thay đổi quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta. Cụ thể, Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch được lãnh đạo hai nước ký kết năm 2013 nhân chuyến thăm Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho quá trình hợp tác mới giữa chúng ta. Đây còn là nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác trên tất cả các khía cạnh, bao gồm đối thoại chính trị, thương mại, quản trị, tăng trưởng xanh, giáo dục, văn hóa và các mối liên kết giữa người dân hai nước.

Một nền tảng quan trọng khác trong quan hệ song phương là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp của Việt Nam và châu Âu, trong đó có cả doanh nghiệp Đan Mạch xét trên góc độ thương mại và đầu tư. Tôi tin tưởng hiệp định này, một khi có hiệu lực, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Thời gian gần đây, hai nước đã nỗ lực chuyển hướng quan hệ song phương từ hỗ trợ phát triển sang quan hệ đối tác thương mại trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Xin Đại sứ cho biết về một số kế hoạch của Đan Mạch để thúc đẩy thương mại hai nước trong tương lai?

Trên cơ sở Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch, chúng tôi đang phác thảo một số thỏa thuận hợp tác chiến lược mới giữa bộ ngành hai nước trên một số lĩnh vực hợp tác chủ chốt. Ví dụ, để hỗ trợ Việt Nam sản xuất thực phẩm an toàn, chúng tôi đang hợp tác phát triển một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả và tạo điều kiện chuyển giao bí quyết giữa chính quyền các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức nghiên cứu của hai nước. Trong lĩnh vực quản lý môi trường, hai bên đã hợp tác nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức và phát triển các hệ thống quản lý và kiểm soát khí thải công nghiệp một cách hiệu quả.

“Sự quyết đoán về chính trị, khuôn khổ pháp lý và hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã giúp chúng tôi tìm ra giải pháp hiệu quả đối với nhiều thách thức quan trọng và cấp bách mà thế giới ĐANG phải đối mặt”.

Trong lĩnh vực đào tạo hướng nghiệp, hai bên tập trung thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu và kỹ năng cũng như năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, Đan Mạch chào đón Việt Nam là một trong tám đối tác cốt lõi của Diễn đàn phát triển xanh toàn cầu (3GF). Đây là một diễn đàn do Đan Mạch và Hàn Quốc đi đầu, tập trung vào các giải pháp xanh bền vững. Hội nghị thượng đỉnh 3GF năm nay đã diễn ra tại Copenhagen có sự tham gia của đoàn đại biểu cao cấp từ chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên trở thành thành viên cốt lõi của 3GF. Đan Mạch đánh giá cao sự tham gia của Chính phủ Việt Nam.

Cuối cùng, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng đang phát triển nhanh chóng. Hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam, tạo cơ hội việc làm cũng như cung cấp các giải pháp xử lý những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Đan Mạch là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU. Chỉ riêng năm 2015, thương mại hai chiều đã tăng 44%. Tôi hy vọng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển đáng kể trong những năm tới, nhất là sau khi Hiệp định EVFTA đầy tham vọng được ký kết hồi năm ngoái.

Về hoạt động ngoại giao văn hóa thì như thế nào, thưa Đại sứ?

Trong một thập kỷ qua, Đan Mạch và Việt Nam đã tích cực hợp tác trong các hoạt động giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa, tập trung vào tính sáng tạo và thúc đẩy đa dạng văn hóa. Điều quan trọng là thông qua đó, chúng ta có thể nâng cao hiểu biết của mình về văn hóa trong quá khứ và hiện tại của nhau.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, chúng tôi tổ chức một chuỗi các hoạt động xuyên suốt mùa thu, bao gồm việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, chuyến thăm giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Đan Mạch cùng các hoạt động văn hóa như “Tuần lễ phim Đan Mạch” tại Việt Nam vào tháng 12 tới.

Vừa qua, chúng tôi đã công bố việc thành lập mạng lưới liên kết các sinh viên Việt Nam đã và đang học tại Đan Mạch. Qua đây, chúng tôi muốn tạo nên những mối quan hệ khăng khít hơn giữa các sinh viên. Những sinh viên này có vai trò như những sứ giả của Đan Mạch tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi vừa tìm được người chiến thắng trong cuộc thi viết về chủ đề “Đan Mạch trong mắt em” 2016. Người chiến thắng sẽ nhận được một suất học bổng ngắn hạn tại trường Kinh doanh Niels Brock, ở Copenhagen.

Chúng tôi hy vọng các hoạt động của Đại sứ quán sẽ thu hút sự tham gia của giới trẻ Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng và mở rộng mối quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã vun đắp trong những thập kỷ qua.

Việt Nam thu hút tôi bởi một xã hội tràn đầy năng lượng. Có thể nhận thấy tinh thần làm việc chăm chỉ của mỗi gia đình Việt. Điều đó khiến tôi cảm thấy nể phục. Con người thân thiện, một nền văn hóa đậm đà bản sắc và quyến rũ là một phần lý do khiến tôi quay lại Việt Nam hồi năm ngoái.

Hơn nữa, người Việt có óc hài hước. Cách tiếp cận cuộc sống một cách lạc quan là điểm chung giữa hai dân tộc. Hai bên đều có niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn, đây chính là động lực để xây dựng một thế giới bền vững cho tương lai mai sau. Tôi tin chắc rằng giá trị chung này khiến hai nước trở thành những đối tác tự nhiên, và là nền tảng cho sự hợp tác thành công giữa hai nước.

Đan Mạch được đánh giá là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về danh hiệu này?

Hiến pháp đầu tiên của Đan Mạch được thông qua ngày 5/6/1849 đã trao cho người dân Đan Mạch quyền tự do ngôn luận, bầu cử và đóng vai trò trong phát triển xã hội. Dựa trên Hiến pháp này, chúng tôi đã xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ, chủ yếu dựa các nguyên tắc của luật pháp và quyền bình đẳng. Năm 2016, Đan Mạch một lần nữa được vinh danh là quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới” và tôi tin lý do đằng sau vinh dự này chính là những quyền lợi chúng tôi được hưởng dựa trên Hiến pháp.

Niềm tin xã hội là một trong những đặc trưng tiêu biểu của xã hội Đan Mạch. Đó là thành quả của một nền quản trị tốt, ít tham nhũng và một xã hội dân sự vững mạnh. Thêm nữa, Đan Mạch có hệ thống phúc lợi xã hội tốt, chính phủ cho phép người dân tự do kinh doanh, an ninh ổn định, giáo dục và y tế đều miễn phí. Chúng tôi quan tâm tới môi trường thông qua áp dụng công nghệ sạch và bền vững.

Sự quyết đoán về chính trị, khuôn khổ pháp lý và hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã giúp chúng tôi tìm ra giải pháp hiệu quả đối với nhiều thách thức quan trọng và cấp bách mà thế giới đang phải đối mặt. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường, phát triển nông nghiệp và an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế, quản trị và hành chính công. Mô hình phúc lợi của Đan Mạch bảo vệ công dân trong trường hợp dịch bệnh hoặc thất nghiệp. Con cái của chúng tôi đều học tập trong trường công lập.

Tôi nghĩ những đặc điểm dựa trên nền tảng của sự đoàn kết và công bằng nêu trên góp phần tăng cường mức độ liên kết trong xã hội Đan Mạch, giúp chúng tôi trở thành những người hạnh phúc nhất trên thế giới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)