TIN LIÊN QUAN | |
Nhìn lại thị trường toàn cầu năm 2016 | |
Giá dầu tăng mạnh sau thỏa thuận của các nước ngoài OPEC |
Hội nhập chỉ là điều kiện cần…
Nhìn lại quá trình hội nhập của Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, quá trình này gắn bó chặt chẽ với quá trình cải cách của đất nước. Từ những bước đi đầu tiên sau Đổi mới, khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN (1995), bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) (2000), Việt Nam đã dần khẳng định vai trò và vị trí ngày càng lớn trên thế giới, tham gia vào những sân chơi rộng lớn hơn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Từ đó, tạo đà cho những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương chất lượng cao như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những bước đi này gắn với quá trình nhận thức của đất nước khi thấy được lợi ích và thách thức khi chơi với các đối tác lớn từ tầm khu vực đến toàn cầu.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) |
“Trong ASEAN, ngoài Singapore, có thể nói Việt Nam đang chơi với những thị trường hay nhất thế giới khi vừa có EVFTA, vừa có TPP. Việt Nam đang trở thành một điểm trung chuyển trong quan hệ tương tác kinh tế thương mại, đầu tư với thế giới, gắn với những thị trường hàng đầu thế giới”, ông Thành nhấn mạnh.
Quá trình hội nhập, theo ông Thành, vừa là cơ hội để Việt Nam học hỏi, hợp tác, chia sẻ lợi ích với thế giới nhưng vẫn chứa đựng rất nhiều thách thức với nhiều chi phí. Vì vậy, hội nhập rất quan trọng nhưng không phải tất cả, là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Trước một loạt các FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết, việc Việt Nam vốn là một nước có trình độ phát triển tương đối thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng lực thể chế thấp nhưng lại dám chơi và chơi với rất nhiều đối tác hàng đầu thế giới, đã xuất hiện những băn khoăn Việt Nam đang hội nhập quá nhanh và sẽ khó có thể hấp thụ hết được những cơ hội từ các FTA này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, giai đoạn này chưa phải là giai đoạn chuyển đổi nhanh nhất.
“Nếu nói nhanh phải nói đến giai đoạn cuối 80 đến những năm 90 của thế kỷ trước. Từ một nền kinh tế đóng cửa, quan liêu bao cấp, chúng ta mở cửa, chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.”, ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, rất khó có câu trả lời liệu Việt Nam liệu sẽ thành công trong giai đoạn hội nhập mới hay không. “Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào quá trình cải cách thể chế, năng lực nội tại và khả năng vươn lên của Việt Nam. Câu chuyện hội nhập không đơn thuần là của Chính phủ mà đó còn là câu chuyện của doanh nghiệp, của người dân”, ông phân tích.
Người Việt thích học qua va vấp
Trao đổi về sự chuẩn bị của Việt Nam cho giai đoạn hội nhập mới, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, với những cam kết trong các FTA, chuẩn bị về mặt pháp lý là tương đối tốt nhưng trong quá trình thực thi thì Việt Nam làm chưa tốt.
Câu chuyện hội nhập còn là câu chuyện của doanh nghiệp và người dân. |
“Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin của Việt Nam về hội nhập cho doanh nghiệp không phải kém so với các nước ASEAN. Nhưng vấn đề là tính thiết thực. Nếu hỏi doanh nghiệp về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hay TPP thì ai cũng biết nhưng nếu hỏi có biết đủ sâu để thành chiến lược, tầm nhìn hay kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thì quá ít”, ông Thành trăn trở.
Dù vậy, ông Thành chia sẻ, bản thân ông không cảm thấy bi quan vì ông tin vào khả năng thích ứng của người Việt. “Hội nhập và kinh tế thị trường là linh hoạt, và sự linh hoạt đó rất phù hợp với văn hóa Việt. Việt Nam vẫn luôn giỏi xử lý tình huống hơn là xây dựng tầm nhìn dài hạn. Đặc trưng của doanh nghiệp Việt Nam là học qua va vấp và trả phí chứ không học một cách nghiêm túc và bài bản.”, ông dẫn chứng.
Cải cách phải là vấn đề tự thân
Dự báo về tương lai của TPP, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết, TPP phải mất 2 năm cho việc phê chuẩn và ký kết. Về hình thức và nguyên tắc, chưa thể nói là TPP đã thất bại.
Với TPP, Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn với sức mua cao nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Bên cạnh đó, niềm tin vào cải cách của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn vì hiệp định này có nhiều điều khoản liên quan đến cải cách, chính sách, quy chế, điều tiết như doanh nghiệp Nhà nước, cạnh tranh, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ... Quá trình này thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về một sân chơi bình đẳng, minh bạch, rõ ràng.
“Nếu không có TPP, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá hoang mang, lo lắng. Theo tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam vẫn đang trong quá trình mở cửa và hội nhập sâu rộng cùng rất nhiều FTA với các đối tác lớn khác trên thế giới. Thứ hai, ngay cả không có TPP, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là nhà đầu tư đứng thứ 7 của Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải tận dụng tốt tiềm năng đang có và đang mở ra các FTA mà chúng ta đã đàm phán và ký kết”, ông Thành nói.
“Tất nhiên có TPP, sức ép sẽ cao hơn nhưng chúng ta phải hiểu rằng đó là vấn đề tự thân và muốn hội nhập thành công, chúng ta phải hoàn thành cải cách thể chế. Vấn đề là chúng ta phải nhìn thẳng vào những trở ngại đang cản trở mình và nghiêm túc thực thi những điều đề ra, quyết liệt cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.
Hãy nhìn Trung Quốc như một cơ hội
Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt - Trung trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định, với quy mô và tốc độ phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng là sức ép rất lớn khi Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Trung Quốc.
“Chúng ta hãy nhìn Trung Quốc như một cơ hội, đừng nên né tránh mà hãy chơi một cách khôn ngoan, chơi theo thị trường, có cam kết và gắn với chính sách”, ông Thành khuyến nghị.
Ông Thành cho rằng, Việt Nam nên nhìn mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong mối quan hệ kinh tế toàn cầu. Tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình kinh tế bài bản hơn, gắn liền với đó là công nghệ cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp sẽ trưởng thành và lớn mạnh hơn. Với những nền tàng đó, Việt Nam sẽ học được cách chơi “khôn ngoan hơn”, tận dụng được lợi thế trong mối quan hệ kinh tế, giao thương với Trung Quốc.
“Trên thực tế, đã có những tín hiệu tốt. Năm nay, chúng ta vẫn nhập siêu từ Trung Quốc nhưng tỷ lệ đã có phần giảm hơn năm trước. Tốc độ tăng xuất khẩu vào Trung Quốc đã có phần nhanh hơn so với tốc độ tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó phải chăng là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thực sự nâng cao về năng lực cạnh tranh?”, ông Thành lạc quan.
Giá dầu còn giảm đến bao giờ? Giá dầu trên thị trường thế giới lại giảm 20% trong tháng 6, trong khi thông tin dự báo vẫn nhiều như “ma trận”. |
Thị trường thế giới thất vọng về các cam kết của G7 Sau khi Hội nghị tài chính G7 vừa kết thúc, Đài NHK (Nhật Bản) đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Kojo Yoshiko (Đại ... |
Giá dầu mỏ và giá vàng thế giới cùng trên đà tăng Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới ngày 5/10 tăng lên trên 82 USD/thùng, trong khi giá vàng tiếp tục phá kỷ lục mới. |