Nhỏ Bình thường Lớn
Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam:

Việt Nam đang chống dịch Covid-19 đúng hướng

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến ngày 22/7 với báo chí về đối phó với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã đi đúng hướng và “khôn ngoan” trong chiến lược của mình.
Đừng 'học' Singapore, đừng bi quan sẽ như Ấn Độ hay Indonesia, Việt Nam đang đi đúng hướng
Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, bác sĩ Eric Dziuban cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng làm chậm tiến độ lây lan của dịch Covid-19. (Ảnh: PH)

Cần phải làm chậm tiến độ lây lan

Bác sĩ Eric Dziuban cho biết hơn một năm qua, đến trước tháng 4 năm nay, Việt Nam vẫn rất thành công trong kiểm soát 3 làn sóng dịch Covid-19.

Nguyên nhân một phần là vì từ 20 năm qua, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Đặc biệt, các biện pháp y tế cộng đồng có ý nghĩa quan trọng, một phần nhờ các biện pháp kiểm soát cũ, truy vết, xác định F0 phát huy tác dụng.

CDC Mỹ tại Việt Nam cũng đã hợp tác rất tốt với Việt Nam trong việc phòng chống các dịch bệnh trước đây như MERS, SARS, kể cả ZIKA.

Tuy nhiên, SARS-CoV-2 là một virus mới và phức tạp hơn, do đó CDC Mỹ đang rất nỗ lực hợp tác cùng hệ thống y tế Việt Nam trên nền tảng những kinh nghiệm trước đây và cùng nhau đưa ra những giải pháp mới để ứng phó với dịch bệnh.

Các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh cụ thể gồm: đầu tiên là ngăn ngừa, đảm bảo dịch bệnh không xảy ra. Khi bệnh đã xuất hiện thì khống chế các ca bệnh. Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài, xác định F0, truy vết và cách ly hiệu quả cao trong hơn một năm qua.

Theo bác sĩ Eric Dziuban, trong tình hình mới ở Việt Nam, với số ca nhiễm cao hiện nay, mục tiêu giảm số ca nhiễm lập tức về 0 là không còn khả thi, nhưng làm chậm tốc độ lây nhiễm để không nhiều người mắc bệnh cùng lúc, đảm bảo khả năng tiếp nhận cho hệ thống y tế, giảm tác hại của dịch bệnh là cần thiết.

Eric Dziuban nhận định: "Không phải các biện pháp kiểm soát trước đây hết hiệu quả, mà do dịch bệnh ở Việt Nam đã sang một giai đoạn mới nên cần áp dụng các biện pháp bổ sung trong khi vẫn phải hạn chế số ca nhiễm mới, kiểm soát các ổ dịch nhỏ, cần giảm tỷ lệ lây nhiễm, hạn chế tác hại của virus.

Biến thể Delta đã thay đổi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới. Nhiều nước hiện nay cũng tăng số ca nhiễm. Nếu biến thể đã nhanh hơn, mạnh hơn, thì phản ứng của chúng ta cũng phải nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là lý do các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ đã được đưa ra, thật sự tập trung vào y tế để đảm bảo hệ thống này không bị quá tải".

Duy trì 5K là cần thiết

Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, về ngắn hạn, cần hạn chế sự lây lan của virus bằng việc tuân thủ biện pháp 5K vì nếu không làm vậy, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và gây nhiều tác hại. Về dài hạn, cần tiêm vaccine cho đại đa số người dân.

Bác sỹ Dziuban lưu ý người dân cần kiên nhẫn vì các biện pháp kiểm soát cần một thời gian mới phát huy tác dụng, số ca nhiễm mới cập nhật hôm nay thực chất là kết quả xét nghiệm ca nhiễm từ 1-2 tuần trước nên hiệu quả sẽ không thể ngay lập tức. Vì thế quan trọng là thực hiện các biện pháp 5K.

Bác sỹ Eric Dziuban: Tôi và gia đình coi Việt Nam như ngôi nhà của mình. Chúng tôi quan tâm tới đến tình hình dịch bệnh hiện tại và mong Việt Nam sớm chiến thắng Covid-19.

Trả lời câu hỏi về việc nên ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người có rủi ro cao (người lớn tuổi, có bệnh lý nền,...) hay ưu tiên cho các điểm nóng, bác sĩ Dziuban cho rằng đây là một câu hỏi khó vì chúng ta đều muốn càng nhiều người được tiêm vaccine càng tốt. Các dữ liệu cho thấy người lớn tuổi, có bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp cao, người bị suy giảm miễn dịch... dễ bị hậu quả nặng nếu nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, các yếu tố về điểm nóng cũng quan trọng. Theo ông Dziuban , trong khi chia một lượng vaccine đáng kể cho các điểm nóng như TP.HCM thì tại đây cần ưu tiên cho những nhóm có nguy cơ cao nhất, rồi đến các nhóm khác.

Nhiều người cho rằng việc cách ly các F1 tập trung hiện nay có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, thế nhưng bác sĩ Eric Dziuban cho rằng đây là một biện pháp đúng đắn và đã chứng minh hiệu quả, các khu cách ly được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ quản lý được số ca lây nhiễm. Nếu để F1 lẻ tẻ bên ngoài sẽ rất khó kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Về vaccine, theo bác sĩ Eric Dziuban, nỗ lực có được một lượng vaccine lớn như hiện nay của thế giới là rất đáng trân trọng. “Tôi đã rất ngạc nhiên rằng trong một khoảng thời gian không dài mà số lượng vaccine đã được sản xuất nhiều như vậy. Đó là một thành tựu vô cùng lớn của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vaccine của các quốc gia đang cần nó thì sẽ mất một thời gian dài”, ông Eric Dziuban nhấn mạnh.

Không nên bi quan mà nản lòng

Theo ông, người dân không nên bi quan rằng Việt Nam sẽ có thể rơi vào tình thế như Ấn Độ hay Indonesia khi số ca nhiễm quá nhiều, làm quá tải hệ thống y tế, nhưng cũng không nên chủ quan mà hãy thận trọng với dịch bệnh. Việc sống chung với Covid-19 như một số nước khác sẽ khả thi khi phần lớn người dân được tiêm vaccine.

Đừng 'học' Singapore, đừng bi quan sẽ như Ấn Độ hay Indonesia, Việt Nam đang đi đúng hướng
Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vaccine Covid-19 và thêm 3 triệu liều nữa vào tuần này. (Ảnh: QT)

“Tôi nghĩ rằng, những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đang tạo ra rất nhiều trở ngại cho chúng ta trong cuộc sống. Tuy nhiên, tình hình ở Việt Nam rất khác so với ở Indonesia hay Ấn Độ. Những cảnh tưởng đau lòng như ở những quốc gia này sẽ không diễn ra ở Việt Nam bởi rằng mọi khu vực, tỉnh thành của Việt Nam đang kiểm soát dịch rất nghiêm ngặt. Những quy định mới được Việt Nam đưa ra cũng nhằm bảo vệ Việt Nam không bị mất kiểm soát trước đại dịch Covid-19”, Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam nhận định.

Đề cập tới câu hỏi liệu Việt Nam có nên giống như Singapore khi nước này đưa ra chiến lược “sống chung với Covid-19” hay không, bác sỹ Eric Dziuban cho rằng so với Việt Nam, Singapore có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine cao hơn nhiều, vì thế, nước này có thể áp dụng những chiến lược “sống chung với Covid-19” khi tính tới nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng, tình trạng hệ thống y tế và tỷ lệ tiêm vaccine. Bởi thế, Việt Nam không nên tính đến việc “sống chung với Covid-19” vào lúc này.

Giám đốc CDC Mỹ Eric Dziuban cho rằng, Việt Nam đã “khôn ngoan” khi lựa chọn chiến lược Covid-19 của riêng mình khi đánh giá về tỷ lệ tiêm vaccine hiện tại và không hành động như thể mọi người đều đã được tiêm vaccine.

Việt Nam đã nhận được khoảng 4,3 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng chỉ khoảng 324.000 người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Điều đó có nghĩa là vẫn còn một số lượng rất lớn dân số dễ bị tổn thương trước dịch bệnh Covid-19. Ông Eric Dziuban cũng nhận định, các kế hoạch cần thời gian để đánh giá về tính hiệu quả.

Mỹ coi Việt Nam là bạn

Giám đốc CDC Mỹ ở Việt Nam khẳng định rằng đại dịch Covid-19 chỉ kết thúc khi nó kết thúc ở mỗi quốc gia và các quốc gia hợp tác để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.

Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Covid-19 và tới đây sẽ thêm 3 triệu liều nữa. Khi viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, theo bác sỹ Eric Dziuban, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác và là một người bạn.

“Đây không phải là một cuộc đàm phán hay buôn bán mà là chúng tôi thực sự mong muốn có nhiều người Việt Nam hơn được tiêm vaccine. Chừng nào mà virus còn tiếp tục lây lan ở một số khu vực trên hành tinh này thì phần còn lại của thế giới vẫn gặp rủi ro”, ông Eric Dziuban chia sẻ.

Bác sỹ Eric Dziuban mong muốn quá trình viện trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 được tiếp tục trong thời gian tới.

Bác sỹ Eric Dziuban nhận công tác tại Việt Nam từ tháng 5/2021. Trước đó, trong vị trí tương đương tại Namibia, ông đã cố vấn cho việc lập kế hoạch phản ứng khẩn cấp về Covid-19 cho Chính phủ Namibia. Ông cũng hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật cho các dự án của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ và Hiệp hội Nhi khoa ở Mỹ.
Covid-19 ở Ấn Độ: Truyền thông đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng

Covid-19 ở Ấn Độ: Truyền thông đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng

Công tác truyền thông về bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trước, trong và sau đại dịch Covid-19 ...

Hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN: Chung tay vượt qua đại dịch!

Hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN: Chung tay vượt qua đại dịch!

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, bên cạnh tầm quan trọng của việc phát huy nội lực, ngành Ngoại giao Việt Nam nhấn ...