📞

Việt Nam đang nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng

16:17 | 14/03/2018
Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất (2010 - 2015) và hiện vẫn đang tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để kịp thời xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Từ ngày 14 - 16/3, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo tập huấn về điều tra tham nhũng và hợp tác khu vực. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình phòng chống tham nhũng của UNODC do Chính phủ Anh và Chính phủ Australia đồng tài trợ.

Hội thảo có sự tham gia của 50 đại biểu đến từ cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan điều tra, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp, cơ quan công tố, tình báo tài chính thuộc 5 nước Tiểu vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanamar, Thái Lan và Việt Nam; các chuyên gia phòng chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tá Lê Đức Tuyến (Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Công an) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng. Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất (2010 - 2015) và hiện vẫn đang tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để kịp thời xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

“Công tác phòng chống nham nhũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các ngành chức năng trong nước phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNODC nhằm tăng cường hơn nữa việc trao đổi, cung cấp thông tin, cùng nhau phân tích nguyên nhân của tham nhũng, nêu những điểm sáng quốc tế về phòng chống tham nhũng để làm bài học cho Việt Nam”, Thượng tá Lê Đức Tuyến nêu rõ.

Hội nghị tập huấn về điều tra tham nhũng và hợp tác khu vực. (Ảnh: Ly Ly)

Thượng tá Lê Đức Tuyến cũng đánh giá, Hội thảo tập huấn sẽ là cơ hội tốt để 5 quốc gia trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng điều tra và đưa ra những sáng kiến ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa từ loại tội phạm tham nhũng, tăng cường hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước, góp phần điều tra hiệu quả các vụ án, đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực nói chung, cũng như sự ổn định của mỗi quốc gia nói riêng.  

Hội thảo tập huấn sẽ đề cập đến một loạt các kỹ năng điều tra đối với các vụ án tham nhũng từ khâu thu thập chứng cứ, tài liệu cho đến thẩm vấn người làm chứng, giám sát điện tử, sử dụng trinh sát… Hội thảo cũng sẽ giới thiệu phương pháp gián tiếp nhằm chứng minh tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng và những thông lệ tốt trong điều tra án tham nhũng. 

Trong 3 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ chia sẻ những thách thức trong hợp tác khu vực và quốc tế trong điều tra và xử lý các vụ tham nhũng và cùng thảo luận biện pháp nhằm vượt qua những thách thức này.

Một mục tiêu quan trọng của Hội thảo là tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc lập hồ sơ và gửi yêu cầu tương trợ tư pháp tới Cơ quan Trung ương của các quốc gia khác nhằm thu thập các bằng chứng tại nước ngoài phục vụ quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Điều phối, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong nước cũng như ngoài nước giữ vai trò rất quan trọng đảm bảo điều tra và xử lý hiệu quả các vụ án tham nhũng. 

Theo UNODC, các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam có chung đường biên giới và các đối tượng là mục tiêu của công tác đấu tranh chống tham nhũng thường di chuyển qua đường biên giới này.

Bên cạnh đó, tài sản có được từ hành vi tham nhũng cũng thường xuyên được vận chuyển qua các đường biên giới trong khu vực. Người làm chứng hay bằng chứng của vụ án tham nhũng thường đặt ở quốc gia khác. Do đó, các cơ quan thực thi pháp luật cần nắm được các cách thức nhằm tăng cường hợp tác khu vực.