Ảnh minh họa. (Nguồn: livehappy.com) |
Năm 2012, trên cơ sở sáng kiến của Bhutan, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc nhằm đề cao hạnh phúc là mục tiêu và động lực chung của nhân loại và kêu gọi một cách tiếp cận hài hòa, cân bằng hơn trong phát triển kinh tế để đạt được phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Lễ kỷ niệm năm nay có chủ đề "Hạnh phúc trong Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030: Hướng tới tầm nhìn phát triển bền vững mới cho con người và Trái Đất."
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững chính là định hướng để xây dựng thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn, để mọi người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình, thịnh vượng, bình đẳng và hòa hợp với thiên nhiên.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay xây dựng nền tảng của hạnh phúc cho tất cả người dân thông qua thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để xóa nghèo, thúc đẩy hòa bình, công lý, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn phấn đấu vì “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc,” hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp của người dân thực sự là mục tiêu cao nhất của mọi chiến lược, chính sách của Việt Nam; Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững.
Mục đích của ngày Quốc tế Hạnh phúc để tôn vinh, đề cao niềm vui và hạnh phúc của nhân loại trên thế giới. Đây không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng mà còn phải có những hành động tích cực, nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng. Ngày Quốc tế Hạnh phúc xuất phát từ ý tưởng của Bhutan. Đây là vương quốc có diện tích nhỏ bé nằm dưới chân núi Himalayas nhưng được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nhiều người không biết đến Bhutan nhưng đây được xem là nước đạt các chỉ số hạnh phúc vào hàng cao nhất thế giới. Tiêu chí này đánh giá dựa trên sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống của người dân. |