TIN LIÊN QUAN | |
Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 | |
Năm 2050, GDP Việt Nam sẽ đứng thứ 20 thế giới? |
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: MH) |
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2020. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK nêu rõ, “tăng trưởng GDP Quý I/2020 đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất của Quý 1 các năm giai đoạn từ 2011-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác phòng chống và dập dịch được đặt lên hàng đầu, phải hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân”.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của báo TG&VN, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng để nền kinh tế không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%; có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 405,4 triệu USD, chiếm 10,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 337,7 triệu USD, chiếm 8,8%.
Trong quý I/2020, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 21,4%; các ngành còn lại đạt 346,7 triệu USD, chiếm 6,3%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 30,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không có vốn đăng ký bổ sung giữ mức 4 tỷ USD, chiếm 60,7%; các ngành còn lại đạt 570,2 triệu USD, chiếm 8,6%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 699 triệu USD, chiếm 35,7% giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 441,4 triệu USD, chiếm 22,6%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 176 triệu USD, chiếm 9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 174,1 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại 465,4 triệu USD, chiếm 23,8%.
Khu công nghiệp VSIP Bình Dương thu hút nhiều dự án FDI. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,7 triệu USD, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 24,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9 triệu USD, chiếm 18,3%...
Địa chỉ nguồn vốn Việt Nam đến Hoa kỳ nhiều nhất với 20,1 triệu USD, chiếm 40,8%; Singapore 12,8 triệu USD, chiếm 26%; Campuchia 9,5 triệu USD, chiếm 19,3%...
Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6), hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hiện nay và kinh tế thế giới suy thoái sâu sẽ vô cùng khó khăn và là thách thức lớn. Mục tiêu trước mắt là cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Tình hình hiện nay rất cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.
| Tăng trưởng kinh tế năm 2017 ước tăng 6,81% Công bố tại cuộc Họp báo Công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, chiều ngày 27/12, tại Hà ... |
| Không tham gia TPP sẽ thiệt! Vận hội lớn từ TPP sẽ đến với Việt Nam, Malaysia và Brunei, trong khi các thành viên khác nhận được ít hơn. Nhưng ít ... |
| World Bank: GDP Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2016 Trong Báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” công bố ngày 2/12, Ngân hàng Thế giới (WB) Việt ... |