📞

Việt Nam-EU: Mở rộng cơ hội sang các lĩnh vực mới

Nguyễn Văn Thảo 08:00 | 23/01/2023
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những trung tâm kinh tế lớn của thế giới, cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm chính thức Bỉ, Luxembourg và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 9-16/12/2022 đã chứng tỏ Việt Nam và EU đều hết sức coi trọng và cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đồng thời tích cực tìm các hướng đi mới, mở rộng cơ hội hợp tác sang các lĩnh vực mới, tương xứng với nội lực, tiềm năng và nhu cầu rất lớn của hai bên.

Tận dụng “thời điểm vàng” đẩy mạnh thương mại

Thương mại là một trong những trụ cột quan trọng nhất của hợp tác Việt Nam-EU. Tình hình thế giới, khu vực đang và sẽ có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái kinh tế, đứt gẫy chuỗi cung ứng, mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng hiện hữu ở cấp độ toàn cầu.

Nhưng những thách thức cũng giúp mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa giữa Việt Nam và EU, mang lại lợi ích chung cho hai bên.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện với EU, cơ cấu hàng xuất khẩu của ta phù hợp và mang tính bổ trợ cho thị trường này.

Thực tế cho thấy, sau hơn hai năm thực thi FTA Việt Nam-EU (EVFTA), tăng trưởng xuất nhập khẩu hai chiều đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng trung bình 12%/năm.

Tuy nhiên, những thành công trên chỉ mới là bước khởi đầu tạo đà. Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn. Thời gian tới thực sự là “thời điểm vàng” để Việt Nam tranh thủ tận dụng thế mạnh sẵn có thúc đẩy hơn nữa thương mại với khối 27 thành viên.

Theo số liệu của Bộ Công thương, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mới chiếm tỷ trọng rất thấp tại thị trường EU (như rau quả tươi và rau củ quả chế biến, thủy sản). Vì vậy, dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng nông lâm thủy sản sang thị trường này còn rất lớn, nhất là khi ta được hưởng ưu đãi thuế quan lớn so với các đối tác khác.

Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine cũng khiến EU mất nguồn cung quan trọng về một số mặt hàng lương thực-thực phẩm, từ đó càng tạo thêm thuận lợi cho mặt hàng thay thế của Việt Nam.

Tuy vậy, con đường trước mắt vẫn còn nhiều thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết và khắc phục.

Về khách quan, hiện EU vẫn áp thẻ vàng đánh bắt cá trái phép (IUU) với Việt Nam, dẫn đến hạn chế phần nào hàng thủy sản xuất khẩu. Hơn nữa, thị trường EU có tiêu chuẩn cao, nhiều rào cản kỹ thuật/phi thuế quan. Vấn đề về khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển logistics cao, việc bảo quản, đóng gói hàng hóa chưa phù hợp cũng là những hạn chế cần khắc phục.

Về chủ quan, doanh nghiệp Việt Nam mới bước đầu tiếp cận thị trường ở quy mô rất nhỏ, chủ yếu đơn hàng lẻ, qua kênh phân phối của người Việt, chưa thực sự thâm nhập được thị trường EU một cách hệ thống.

Song song với đó, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu của doanh nghiệp còn hạn chế. Việt Nam chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm. Thương hiệu Việt Nam cũng chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu.

Để thực sự tận dụng được cơ hội, thời gian tới, Việt Nam cần một chiến lược xúc tiến thương mại riêng cho thị trường EU một cách toàn diện, hiệu quả và quyết liệt, với các giải pháp riêng cho đặc thù địa bàn.

Tăng tốc thu hút đầu tư

Lĩnh vực đầu tư cần được xác định là trụ cột quan trọng của hợp tác kinh tế Việt Nam-EU thời gian tới. EU là đối tác có tiềm lực tài chính lớn, sở hữu công nghệ cao, công nghệ nguồn tiên tiến.

Vừa qua, EU đã ra một loạt chiến lược lớn, quan trọng để thực hiện mục tiêu này, chẳng hạn như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) tăng cường kết nối trị giá 300 tỷ USD, La bàn chiến lược (Strategic Compass) bảo đảm tự chủ an ninh, bao gồm cả tuyến hàng hải thương mại…

Trong khu vực, EU đánh giá cao vai trò, vị thế và tiềm năng của Việt Nam. Khối kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành đối tác kinh tế quan trọng, giúp EU thực hiện các chiến lược phát triển. Đây là nền tảng thuận lợi để thu hút hơn nữa đầu tư của EU vào Việt Nam. Hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp EU đầu tư tại Việt Nam, tạo cầu nối và nguồn lực quan trọng để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư chất lượng cao từ các nước EU.

Dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải nhìn nhận ta chưa thu hút được nguồn lực đầu tư tương xứng từ EU. Hiện mới có hơn 2.000 dự án đầu tư của EU, tổng vốn hơn 22 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các đối tác lớn khác.

Nguyên nhân có thể do khoảng cách địa lý, khó khăn logistics, môi trường đầu tư của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn và khuyến khích được doanh nghiệp EU...

Để giải quyết, trước mắt, cần tiếp tục vận động các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhưng cũng không nên quá kỳ vọng và cho đây là động lực chính để tăng cường thu hút đầu tư của EU.

Quan trọng nhất là cần có chiến lược thu hút đầu tư chất lượng cao từ EU, nhất là trong các lĩnh vực khối có thế mạnh và đang muốn thúc đẩy hợp tác với ta và ta cũng có nhu cầu phát triển như năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu, logistics, nông nghiệp thông minh...

Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ, rà soát lại nền tảng pháp lý và có chính sách ưu đãi phù hợp cho các dự án lớn có quy mô, chất lượng và công nghệ cao từ EU.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg; Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo

Cơ hội từ chuyển đổi xanh

Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực được EU đặt ưu tiên hàng đầu cả trong nội khối và tăng cường hợp tác với các đối tác.

EU có chiến lược Thỏa thuận xanh (Green Deal) với mục tiêu chuyển đổi tổng thể cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững; song song với thúc đẩy thiết lập các quan hệ đối tác với các nước, trong đó bao gồm quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam và một số nước.

Có thể thấy, việc khối 27 thành viên quan tâm đến hợp tác biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh mang đến cơ hội to lớn cho Việt Nam, là nguồn lực quan trọng cần tận dụng phục vụ công cuộc phát triển đất nước bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế, là động lực giúp ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Do vậy, thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh hợp tác với EU, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cần tăng cường vận động EU hợp tác nâng cao năng lực, xây dựng các tiêu chuẩn môi trường; xây dựng các dự án về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác phát triển kinh tế biển, đánh bắt nuôi trồng thủy sản bền vững và nông nghiệp thông minh; bảo vệ đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái đất, đại dương; xử lý rác thải đại dương...

Hợp tác kinh tế với EU còn rất nhiều tiềm năng và dư địa, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, quan trọng. Để thực hiện cần có quyết tâm cao, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương.

Về phần mình, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU, trong đó có Đại sứ quán, Phái đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực làm cầu nối liên kết, hợp tác hai bên, tận dụng các nền tảng thuận lợi và góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và đối tác quan trọng này